Dồn lực vào tham vọng số 1, bước đi bất ngờ của tỷ phú Long, Chủ tịch Vượng
Ông Trần Đình Long và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cũng như một số tỷ phú Việt có những bước đi khá bất ngờ nhưng tương đối giống nhau trong việc thực hiện tham vọng số 1 của mình.
Bước đi bất ngờ của Hòa Phát
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long vừa công bố thông tin đáng chú ý về một startup mà tập đoàn sản xuất thép này mở ra cách đây 2 năm. Theo đó, CTCP Sản xuất Container Hòa Phát hôm 4/8 đã xuất lô hàng đầu tiên với số lượng 100 container cho Công ty TNHH New Way Lines.
Như vậy, Nhà máy sản xuất vỏ container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng - thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tổng công suất 500.000 TEU/năm, giai đoạn 1 là 200.000 TEU/năm) đã có những sản phẩm đầu tiên và cũng đã có những khách hàng đầu tiên trong bối cảnh thị trường xây dựng vẫn còn khá ảm đạm, tiêu thụ thép chậm và giá thép giảm.
Một số thời điểm gần đây, Hòa Phát phải đóng cửa 4 trong tổng cộng 7 lò cao luyện thép ở cả Hải Dương (đóng 2 trong 3 lò) và Dung Quất (đóng 2 trong 4 lò) do thị trường thép trong giai đoạn suy giảm.
Trong khi đó, Nhà máy thép Dung Quất 1 đã đi vào hoạt động (công suất 4 triệu tấn và sẽ nâng lên thành 6 triệu tấn/năm). Dung Quất 2 dự kiến sẽ xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2024. Tổng đầu tư của siêu dự án thép là 85.000 tỷ đồng và công suất 11,6 triệu tấn thép/năm.
Với công suất 500.000 TEU/năm (lớn nhất Đông Nam Á), Nhà máy sản xuất container Hòa Phát có thể tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm. Nguyên liệu chính cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Đây là đầu ra tốt cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát.
Trong khi thị trường xây dựng còn ảm đạm, việc xây dựng thêm đầu ra cho đại dự án Thép Dung Quất, phục vụ cho tham vọng thống trị và gia tăng thị phần thép tại Việt Nam trong tương lai là rất quan trọng.
Cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long gần đây lên vùng cao nhất trong hơn một năm qua, cao gấp gần 3 lần so với hồi tháng 11/2022.
Tỷ phú Vượng bán hàng nghìn xe điện cho taxi
Trước đó, hồi tháng 4/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cho ra mắt hãng Taxi Xanh SM do CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green - Smart - Mobility) quản lý. Hãng taxi thuần xe điện này ngay lập tức đã sử dụng hàng nghìn xe VinFast điện. GSM dự định sẽ đưa vào khai thác 10.000 xe ô tô điện trong năm nay.
Taxi Xanh SM sử dụng một lượng lớn xe điện VinFast mẫu VF e34, bên cạnh đó là VinFast VF 8 và dự định bổ sung thêm mẫu VinFast VF 5 Plus vào đội xe hoạt động. GSM cũng phối hợp với một số ngân hàng cung cấp các chính sách ưu đãi cho tài xế thuê hoặc mua ô tô điện VinFast thông qua GSM.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Vượng báo lợi nhuận nửa năm 2023 tăng hơn gấp đôi cùng kỳ nhờ thu chính từ bất động sản. Cũng trong 6 tháng, Vingroup ghi nhận doanh thu sản xuất tăng 55%, nhờ doanh số xe điện trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh, gấp 5 lần so với cùng kỳ, có thể do việc ghi nhận bán xe điện sang hãng Taxi Xanh.
Cũng theo báo cáo, trong quý II/2023, Vingroup ghi nhận khoản phải thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trị giá 2.261,9 tỷ đồng với GSM và cũng ghi nhận khoản phải thu này đã được thu về 2.261 tỷ đồng. Đây chính các khoản mà hãng taxi này đã trả cho VinFast để mua xe điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã dùng hơn 50 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn thành lập CTCP Di chuyển xanh và Thông minh GSM. Theo định hướng, GSM sẽ cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, xe ôm công nghệ và nhân viên của họ thuê ô tô - xe máy điện để chở khách. Đồng thời, hãng xe này cũng tự vận hành dịch vụ taxi bằng ô tô điện.
Thông tin lượng xe điện bán ra tăng mạnh, cùng với kết quả niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ “đang đi đúng hướng” và việc khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina… đã đẩy mạnh nhóm “cổ phiếu Vin”.
Trong phiên giao dịch ngày 4/8, cổ phiếu VIC tăng trần thêm gần 7% lên 62.200 đồng/cp với 21,2 triệu đơn vị được khớp lệnh, con số cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.
Trong 7 phiên gần đây, VIC có 3 phiên tăng trần. Tổng cộng 7 phiên qua, VIC đã tăng gần 22% thị giá qua đó leo lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 42.600 tỷ đồng sau một tuần lên trên 237.000 tỷ đồng.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xây đế chế bán lẻ - tiêu dùng
Trước đó, giới đầu tư cũng chứng kiến Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chi hàng tỷ USD mua hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam Vinmart (giờ là Winmart) không chỉ để phục vụ cho mảng sản xuất hàng tiêu dùng mà còn tham vọng trở thành đế chế bán lẻ - tiêu dùng lớn trong khu vực.
Sau thương vụ, Masan đã có lợi thế dẫn đầu về kênh phân phối offline khi sở hữu hơn 2.500 điểm bán lẻ hiện đại VinMart, VinMart+ trên toàn quốc, kết hợp với hàng trăm nghìn điểm bán truyền thống...
Không những thế, năm 2021, Masan có thỏa thuận hợp tác với nhóm các nhà đầu tư, trong đó có "ông lớn" thương mại điện tử Alibaba, không chỉ mang về 400 triệu USD sau khi phát hành cổ phần The CrownX mà còn tiếp cận được 20.000 khách hàng của trang e-commerce Lazada của Alibaba.
The CrownX là nơi hệ thống bán lẻ (VCM), FMCG (Masan Consumer Holdings), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife) và dịch vụ tài chính (TCB) liên kết và hợp lực để tạo thành một nền tảng kinh doanh thông suốt. Đó là chương đầu tiên trong hành trình "Point of Life". Điểm đặc biệt là hệ thống này không chỉ có mặt ở thành thị mà còn phủ sóng tại nông thôn.