Dồn lực 'về đích' tăng trưởng 8% trở lên
Với GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52% - mức cao nhất so với cùng kỳ 14 năm trở lại đây, Việt Nam đang tiệm cận 'đích' tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8% trở lên, đặt nền móng cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm tới.
Đáng chú ý, tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay có sự đóng góp đồng đều của cả ba khu vực: dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản. Điều này phản ánh hiệu quả thực chất của những cải cách quyết liệt về thể chế, tổ chức bộ máy, chuyển đổi số, khơi thông điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn trong đầu tư công, kinh tế tư nhân, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thi hành pháp luật... được thực hiện trong suốt thời gian qua.
Kết quả trên cũng củng cố mạnh mẽ cho những bước đi chiến lược mà Việt Nam đã và đang thực hiện, đồng thời cũng đòi hỏi phải tiến hành cải cách với tốc độ nhanh hơn, thực chất hơn nữa nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đầy bất định như hiện nay.
Có thể nói rằng, sau Kỳ họp thứ Chín - kỳ họp có ý nghĩa lịch sử của Quốc hội, các cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp để bứt tốc tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới đều đã khá đầy đủ, toàn diện. Trong đó, Quốc hội đã thông qua 34 luật, nghị quyết với rất nhiều cơ chế chính sách vượt trội, đặc thù, đột phá trong các lĩnh vực. Đây sẽ là động lực lớn cho mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp cụ thể cũng được Quốc hội đặt ra với Chính phủ như: tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan chậm nhất trong năm 2025; xử lý dứt điểm các công trình, dự án tồn đọng kéo dài gây lãng phí nguồn lực và cản trở phát triển các doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách tín dụng, trong đó có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.
Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm; tăng thu ngân sách trên 15%, đẩy mạnh huy động vốn qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nghiên cứu ban hành khung pháp lý về triển khai thí điểm tài sản mã hóa; giải ngân đầu tư công đạt 100%; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giảm mạnh chi phí tuân thủ pháp luật; trong năm 2025, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh...
Niềm tin, sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp vào năng lực và trách nhiệm của bộ máy công vụ trong thực thi chính sách, pháp luật được củng cố khi chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7 vừa qua và đang nhanh chóng ổn định tổ chức, vận hành thông suốt. Điều này "hóa giải" mối lo ngại lớn lâu nay về "chính sách đã có nhưng thực thi còn... khó".
Đến thời điểm này, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, "đội ngũ đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững".
Vì vậy, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương dồn toàn lực thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương và Quốc hội quyết nghị; đặc biệt là khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết, bảo đảm luật, nghị quyết được thi hành ngay khi có hiệu lực - dù đây là thách thức không nhỏ khi số lượng luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Chín rất lớn, đạt mức kỷ lục từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Về phía Quốc hội, tuy nhiệm kỳ Khóa XV chỉ còn rất ngắn với bộn bề nhiệm vụ, song Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ dành ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thiện thể chế để triển khai hiệu quả 4 nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, định hướng xây dựng pháp luật để đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng cần phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát. Trọng tâm là giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết nhằm kịp thời phát hiện những chậm trễ, điểm nghẽn trong triển khai. Giám sát việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất hiện nay, với mục tiêu giải ngân đạt 100% trong năm 2025. Giám sát việc thực thi chính sách về tín dụng, thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và tư nhân - nhóm đóng góp hơn 50% GDP nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương bởi những tác động của thị trường, biến động của tình hình khu vực và thế giới. Giám sát việc triển khai thực hiện để thúc đẩy hoàn thiện chính sách, pháp luật cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế số - những lĩnh vực sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế...
Với những kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm và sự đồng lòng trong cả hệ thống chính trị, chúng ta đang hội đủ điều kiện để không chỉ cán đích mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay mà còn từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, bao trùm và bứt phá trong giai đoạn tới.