'Đòn mạnh' vào 'cò' đất
Quy định mới của UBND tỉnh về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh là hành động cứng rắn, kịp thời nhằm đảm bảo thị trường đất nền phát triển ổn định, bền vững, minh bạch, ngăn chặn hiện tượng 'bong bóng', sốt ảo, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi.
(Ảnh minh họa).
Câu chuyện về đất nền bị “thổi giá” gây sốt ảo không còn là chuyện mới. Thế nhưng, dịch COVID-19 bùng phát đã bóc mẻ mánh khóe con buôn, khiến nhiều cò đất “ngấm đòn”, phải dở khóc dở cười.
Đã có thời nhà nhà đầu tư, người người đi mua đất. Người ta nộp hồ sơ, tham gia đấu giá đất nền đông vui như đi hội. Và Thanh Hóa cũng là thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư đất nền từ các tỉnh khác.
Từ tình trạng sốt ảo, giá đất sốt thật tức thì. Sau mỗi phiên đấu giá, giá của mỗi lô đất đã được đẩy lên cao gấp nhiều lần mức khởi điểm và so với giá trị thật trên thị trường. Ở phương diện nào đó, đây là niềm vui đối với ngân sách các địa phương.
Có điều, trong số quyết định công nhận trúng đấu giá đất, không nhiều người thực sự có nhu cầu sử dụng. Đa phần những lô đất này đã bị “xào xáo”, mua đi bán lại nhiều lần, trước khi đến với người thực sự có nhu cầu sử dụng. Thậm chí nhiều mặt bằng quy hoạch đã hoàn thành đấu giá ròng rã cả chục năm trời, nhưng vẫn chưa được xây dựng nhà ở, bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Xét ở góc độ kinh tế, việc mua cao bán đắt là chuyện bình thường. Giá đất bị thổi lên, đồng nghĩa tăng thu cho ngân sách. Chỉ có điều, người nghèo, người có thu nhập bình thường sẽ rất khó khăn mới có thể sở hữu được một lô đất để xây nhà trên chính làng quê mình. Và không phải nơi nào, đất nền cũng được bán thuận lợi.
Câu chuyện tại xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) như một điển hình cho tác hại của tình trạng “cò” đất thổi giá, gây sốt ảo, làm náo loạn thị trường. Cụ thể, 46 lô đất nền của xã này đã được bán với giá cao gấp 4 - 5 lần so với giá khởi điểm, và gấp đôi giá thị trường. Tuy nhiên, quá hạn nộp tiền sử dụng đất theo quy định, đã không một nhà đầu tư nào nộp tiền. UBND huyện Thọ Xuân đã phải ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá và giao nộp số tiền đặt cọc là 2 tỷ đồng của “nhà đầu tư” vào ngân sách theo quy định.
Trước đó, UBND huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương cũng đã ban hành nhiều quyết định tương tự vì người trúng đấu giá không nộp tiền sử dụng đất theo thời hạn quy định.
Sau mỗi quyết định ấy, phiên đấu giá đất được tổ chức lại với nhiều thủ tục hồ sơ và tốn kém nhiều thời gian, chi phí.
Nhà đầu tư bỏ “cọc” được xác định là do tình trạng cố đấu cho được, sau đó bán “lướt” trước thời hạn nộp tiền sử dụng đất để kiếm lời. Tuy nhiên, khi thị trường chững lại do nhiều yếu tố mà chủ yếu là do tác động của dịch COVID-19, thì nhà đầu tư đành bỏ của chạy lấy người.
Đó mới là phần nổi của tảng băng, còn nguyên nhân sâu xa phần nhiều là do các quy định còn thiếu chặt chẽ. Ví như khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá đất, nhà đầu tư không phải chứng minh năng lực tài chính. Hoặc sau khi có thông báo nộp tiền sử dụng đất, người trúng đấu giá có đến gần 4 tháng mới phải nộp đủ tiền.
Đó là quãng thời gian quá dài để những “cò” đất “xào xáo”, bày đủ chiêu trò mánh khóe để kiếm lời trên lô đất trúng đấu giá.
“Bắt mạch” những lộn xộn của thị trường đất nền, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 28-9-2021, thay thế Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND.
Quyết định này có 3 điểm mới rất quan trọng với thị trường, một là ràng buộc điều kiện người tham gia đấu giá; quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá và biện pháp xử lý vi phạm. Người tham gia đấu giá phải không còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các khoản nộp ngân sách khác trên địa bàn tỉnh... Và trong thời hạn 30 ngày từ khi có thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền sử dụng đất. Quá thời hạn, nhà đầu tư sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá và mất số tiền đặt “cọc” ban đầu.
Đó là một quyết định cứng rắn, kịp thời, nhằm ổn định thị trường đất nền, góp phần ngăn chặn hiện tượng “bong bóng” đất, tình trạng đầu cơ đẩy giá, “thổi giá” đất để trục lợi, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững, người có nhu cầu thực sự, nhất là những người thu nhập thấp, người nghèo sẽ có nhiều hơn cơ hội được sử dụng đất.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5-2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch.
Phải nhìn nhận rằng, ngăn chặn triệt để tình trạng “cò” đất tự đẩy giá làm náo loạn thị trường bất động sản vốn không chỉ ở quyền hạn của chính quyền cấp tỉnh. Các cơ quan Trung ương đã đề xuất nhiều giải pháp và đang chờ quyết định từ cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi chờ đợi, căn cứ vào các quy định hiện hành, Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa sau khi ban hành là một “đòn mạnh”, góp phần ngăn chặn tình trạng “cò” đất tự đẩy giá, gây sốt ảo, làm náo loạn thị trường.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cau-chuyen/don-manh-vao-co-dat/21163.htm