Dồn nguồn lực hỗ trợ địa phương phòng chống dịch
Chiều 22/7, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ một số thông tin về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021.
Dịch bùng phát, thu ngân sách ngày càng khó khăn
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2021, đại dịch tác động sâu sắc đến mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội. 6 tháng đầu năm, kinh tế tăng trưởng 5,64%, nhưng chủ yếu là từ tháng 1 đến tháng 4. Tuy thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng vẫn đạt 58% dự toán, nhưng từ tháng 5 thu ngân sách đã giảm 32 nghìn tỷ đồng, tháng 6 giảm thêm 40 nghìn tỷ đồng và dự kiến tháng 7 sẽ giảm 70 - 80 nghìn tỷ đồng nữa. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hàng không, vận tải… gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có việc làm, nợ thuế tăng cao, nguồn vốn rất khó khăn. Vừa qua, đã có nhiều vụ tín dụng đen bị công an xử lý, trong đó có nhiều vụ việc là cho vay nặng lãi cho DN nhỏ và vừa đảo nợ.
Trước tình hình kinh tế khó khăn như vậy, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách giãn hoãn thuế đến 31/12. Đồng thời, tập trung nguồn lực mua vắc-xin với số lượng là 61 triệu liều đợt 1 trong tổng số kế hoạch 150 triệu liều với tổng kinh phí khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực nhà nước giữ vai trò trọng yếu, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 để huy động sự chung tay của cộng đồng phòng chống đại dịch và đã đến nay đã tiếp nhận hơn 8,2 nghìn tỷ đồng.
Thông tin thêm về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong 6 tháng, ngân sách trung ương âm 63.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách địa phương thặng dư 150.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính hiện đang theo sát hàng ngày tình hình thu ngân sách để điều hành chi. Xác định tình hình từ nay đến cuối năm còn khó khăn, Bộ Tài chính đã cùng với Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tham mưu cho Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, đồng thời giảm 30 loại phí, hỗ trợ các tỉnh, cấp kinh phí các bộ ngành chống dịch.
"Đây là những nỗ lực lớn của Chính phủ trong chống dịch."- Bộ trưởng nói và khẳng định Chính phủ rất quyết tâm dồn nguồn lực hỗ trợ địa phương, cùng các bộ ngành để tạo cơ sở tốt nhất cho các địa phương phòng chống dịch.
Sớm tháo gỡ các nút thắt pháp lý để phát triển kinh tế
Bên cạnh công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, một vấn đề nữa được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh là công tác hoàn thiện thể chế, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngăn chặn thất thoát lãng phí và tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế. 6 tháng qua, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ về 20 nghị định, hiện Chính phủ đã ký và ban hành 16 nghị định. Ngoài ra, còn thêm 4 nghị định đã được trình tiếp và 2 nghị định đang được soạn thảo.
Đơn cử các nghị định đã ban hành là Nghị định 52 về giãn hoãn thuế, Nghị định 44 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, Nghị định 67 thay thế Nghị định 167 về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 60 thay thế Nghị định 16 về cơ chế tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập… Trong đó, Nghị định 60 khắc phục nhiều hạn chế của Nghị định 16 về đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó phân loại các đơn vị theo mức độ tự chủ, quy định rõ ràng về tự chủ trong đầu tư xây dựng cơ bản, hướng dẫn các đơn vị thực hiện liên doanh liên kết… gỡ nút thắt cho các đơn vị phát triển. Còn Nghị định 67 phân cấp quản lý về tài sản công để địa phương, bộ ngành quyết định, Bộ Tài chính chỉ có ý kiến với các tài sản có giá trị trên 500 tỷ đồng…
"Chỉ khi những nút thắt pháp lý được tích cực giải quyết, thể chế được hoàn thiện thì lúc đó có thể mới nói đến chuyện đẩy mạnh cải cách hành chính, nếu không không ai dám làm vì xung đột, vướng mắc rất nhiều", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh và nêu ví dụ về những chồng chéo, xung đột giữa các quy định hiện tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư…
Không chỉ ở các luật, nhiều vướng mắc lớn hiện nay cũng tồn tại ở các nghị định, thông tư. Mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và môi trường sửa Nghị định 44 hướng dẫn phương pháp xác định giá đất. Theo Thông tư 36 hướng dẫn Nghị định 44, việc xác định giá đất có đến 5 phương pháp và cả 5 phương pháp này đều thiếu nhất quán, minh bạch, nói cách khác là chưa chính xác. Bởi cùng một phương pháp tính giá nhưng mỗi người có thể tính ra một giá khác nhau, từ đó dẫn đến rất nhiều sai phạm, thất thoát lâu nay liên quan đến đất đai. Mặc dù Luật Đất đai dự kiến được sửa đổi năm 2023, nhưng những quy định dưới luật có thể sửa được ngay, mà trong đó xác định giá đất là vấn đề rất cấp thiết.
Nhìn chung, cùng với các giải pháp được nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh giải pháp phải thắt lưng buộc bụng, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm dự phòng, hội họp, thậm chí giảm cả chi đầu tư vào những dự án kém hiệu quả, dồn cho những dự án hiệu quả để tăng năng lực cho phát triển kinh tế và phòng chống dịch./.