Làm sao để đưa thương hiệu nông sản sạch Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính?

Nông sản Việt hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những thị trường khó tính với sự cạnh tranh cao.

Quang cảnh Hội thảo “Nông sản sạch Việt Nam - Giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh - Xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững”. Ảnh: Phạm Trần Trung-TTXVN

Quang cảnh Hội thảo “Nông sản sạch Việt Nam - Giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh - Xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững”. Ảnh: Phạm Trần Trung-TTXVN

Ngày 18/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh long tổ chức Hội thảo “Nông sản sạch Việt Nam - Giải pháp nâng cao lợi thế cạnh tranh - Xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững”.

Tại hội thảo, các các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đánh giá về việc nâng cao sản lượng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản sạch Việt Nam - giải pháp từ yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất; nông sản sạch Việt Nam - giải bài toán về niềm tin từ người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu nông sản Việt - bài học kinh nghiệm và chiến lược phát triển; xây dựng logistics trong nông nghiệp - giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn nông sản trên thị trường trong và ngoài nước…

Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Nông sản Việt Nam được xuất đến hơn 180 quốc gia, bao gồm các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Ngoài các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, trong những năm gần đây các loại trái cây nông sản nhiệt đới cũng tạo sức hút mạnh trên thị trường thế giới bởi tính đặc trưng và mức cạnh tranh thấp.

Đại diện nông dân đặt vấn đề với các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo. Ảnh: Phạm Trần Trung-TTXVN

Đại diện nông dân đặt vấn đề với các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo. Ảnh: Phạm Trần Trung-TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Văn Hữu Huệ cho biết: Nông sản Việt hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những thị trường khó tính với sự cạnh tranh cao. Các mặt hàng nông sản chủ lực Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, điều này phần nào giảm đi tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường.

Tại Vĩnh Long, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 78% tổng diện tích đất tự nhiên, thời gian qua địa phương đã quan tâm đến sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch;trong đó sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất vẫn còn nhiều thách thức, nhất là tình trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là các nước phát triển.

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Trần Trung-TTXVN

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Trần Trung-TTXVN

PGS. TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, thị trường nông sản sạch ở Việt Nam đang phát triển những vẫn còn nhiều thử thách. Các vấn đề như thiếu kiến thức về sản xuất nông nghiệp bền vững, thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực tài chính, cạnh tranh từ sản phẩm nông nghiệp không an toàn vẫn là những trở ngại lớn. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa quen với việc chi trả cao hơn cho sản phẩm sạch, dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm sạch còn thấp. Do đó, nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước.

Điều này cho thấy, hướng đi của thị trường nông sản Việt lúc này chính là việc phát triển những thương hiệu nông sản có chất lượng cao, bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Điều quan trọng là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các chính sách, vốn đầu tư và khoa học công nghệ trong xây dựng và phát triển thương hiệu./.

Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-sao-de-dua-thuong-hie-u-nong-sa-n-sa-ch-vie-t-nam-tiep-can-cac-thi-truong-kho-tinh/353873.html