Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhà trường thua kiện
Tòa án Nhân dân tỉnh lâm Đồng vừa xử phúc thẩm vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật giữa nguyên đơn là bà Phan Thị Vị, sinh năm 1969, là cấp dưỡng nấu ăn tại Trường Mẫu giáo Tân Thanh và bị đơn là Trường Mẫu giáo Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà). Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên Trường Mẫu giáo Tân Thanh phải bồi thường hơn 63 triệu đồng và nhận bà Vị vào làm việc trở lại theo đúng quy định của pháp luật.
Khởi kiện nhà trường
Theo nội dung đơn khởi kiện và tại các bản tự khai cũng như trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa sơ thẩm của bà Phan Thị Vị, từ ngày 9/2/2011 đến ngày 31/7/2018, bà Vị và Trường Mẫu giáo Tân Thanh đã ký tổng cộng 11 hợp đồng lao động xác định thời hạn, công việc của bà là nhân viên cấp dưỡng tại trường. Trong suốt thời gian làm việc này, bà cho biết luôn thực hiện tốt công việc được giao, tuân thủ và chất hành đầy đủ nội quy, quy chế của trường và nghĩa vụ của người lao động theo hợp đồng hai bên đã ký kết. Ngoài ra, bà cũng có bằng trung cấp nấu ăn, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Ngày 31/7/2018, bà Vị nhận được thông báo của Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Thanh về việc chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn với bà với lý do hợp đồng lao động giữa bà và Trường Mẫu giáo Tân Thanh hết hiệu lực. Và ngày 1/8/2018, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Thanh tiếp tục ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà từ ngày 1/8/2018.
Theo quy định của pháp luật, thì Trường Mẫu giáo Tân Thanh đã vi phạm các quy định của pháp luật lao động. Cụ thể, nhà trường chỉ được phép ký tối đa 2 hợp đồng lao động xác định thời hạn với bà Vị, sau đó, nếu bà tiếp tục làm việc tại trường thì phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì giữa bà và Trường Mẫu giáo Tân Thanh đã tự động xác lập hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Ngoài ra, theo quyết định của UBND huyện Lâm Hà giao chỉ tiêu biên chế cho Trường Mẫu giáo Tân Thanh là có 3 biên chế nấu ăn, trong đó bà Vị đáp ứng đủ tất cả các yêu cầu để được nằm trong danh sách biên chế. Hợp đồng lao động giữa nhà trường với bà Vị là hợp đồng không xác định thời hạn, chính vì vậy bà Vị yêu cầu tòa án buộc trường phải nhận bà làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, bồi thường tiền lương và bảo hiểm cho bà.
Lý giải của nhà trường
Theo bản khai, lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn sơ thẩm của hiệu trưởng nhà trường, người đại diện pháp luật của Trường Mẫu giáo Tân Thanh, việc nhà trường ký hợp đồng lao động là theo văn bản hướng dẫn của cấp trên (Phòng Giáo dục huyện Lâm Hà và UBND huyện Lâm Hà) và khi ký kết hợp đồng lao động bà Vị không có ý kiến thắc mắc gì.
Việc xác định loại hợp đồng lao động giữa Trường Mẫu giáo Tân Thanh với bà Phan Thị Vị căn cứ theo quyết định giao biên chế, giao ngân sách của UBND huyện và hướng dẫn của Phòng Giáo dục huyện, đơn xin hợp đồng lao động và đơn gia hạn hợp đồng lao động của bà Vị.
Việc Trường Mẫu giáo Tân Thanh không ký hợp đồng lao động với bà Vị năm học 2018 - 2019 được nhà trường lý giải như sau: Do bà Vị không có đơn xin gia hạn hợp đồng lao động; mặt khác, tháng 12/2017, bà Vị có đơn kiến nghị vượt cấp lên cấp trên mà không thông qua công đoàn cũng như Trường Mẫu giáo Tân Thanh làm ảnh hưởng đến nhà trường và vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nội quy quy chế đơn vị, quy tắc ứng xử trong văn hóa trường học; bà Vị vi phạm hợp đồng lao động nhưng không có mặt tại vị trí việc làm và năm 2019 - 2020, Phòng Giáo dục huyện không cho biến chế nhân viên nấu ăn...
Tòa sơ thẩm tuyên buộc trường bồi thường, bác yêu cầu nhận trở lại làm việc
Sau quá trình xét xử, Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà đã xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Vị về “tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” đối với Trường Mẫu giáo Tân Thanh. Tòa cũng hủy quyết định ngày 1/8/2018 của trường về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Phan Thị Vị. Buộc nhà trường bồi thường cho bà Vị 63 triệu 605 ngàn đồng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Vị về việc yêu cầu Trường Mẫu giáo Tân Thanh nhận bà trở lại làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. Hợp đồng lao động của bà Vị và Trường Mẫu giáo Tân Thanh chấm dứt kể từ ngày 8/10/2019.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lâm Hà, bà Phan Thị Vị có đơn kháng cáo yêu cầu phúc thẩm xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, buộc Trường Mẫu giáo Tân Thanh nhận bà trở lại làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Buộc nhà trường bồi thường và nhận lại làm việc
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh nhận định, vụ việc này cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất vụ án, buộc bị đơn phải bồi thường cho bà Vị số tiền hơn 63 triệu đồng là phù hợp, tuy nhiên lại không chấp nhận yêu cầu của bà về việc buộc Trường Mẫu giáo Tân Thanh phải nhận bà Vị trở lại làm việc là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 42 Bộ Luật Lao động năm 2012 thì “nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã được giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng lương theo hợp đồng lao động…”.
Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nhà trường cũng thừa nhận việc Trường Mẫu giáo Tân Thanh ký hợp đồng có xác định thời hạn với bà Vị là chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động, nhưng lý giải là do đặc thù của ngành giáo dục là thực hiện hợp đồng lao động theo năm học, UBND huyện không giao biên chế cũng như ngân sách chi trả cho nhân viên nấu ăn. Tòa xét không có cơ sở chấp nhận bởi lẽ không được giao biên chế nấu ăn thì nhà trường phải thực hiện theo quy định của các Điều 36, 44 Bộ Luật lao động. Tuy nhiên, trên thực tế thì Trường Mẫu giáo Tân Thanh vẫn tiếp tục ký hợp đồng lao động với bà Vị, quá trình thực hiện công việc liên tục, kéo dài. Các đơn của bà Vị đối với trường chỉ mang nội dung xin tiếp tục hợp đồng lao động, nhà trường không thể căn cứ vào đó để giao kết hợp đồng lao động có thời hạn với bà Vị. Còn những lý do nhà trường nêu để đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà Vị như trình bày trước đó là không phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động.
Hơn nữa, tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nhà trường cho biết, hiện vẫn thuê người nấu ăn cho trẻ, tức là vẫn có nhu cầu sử dụng người lao động làm công việc nấu ăn. Do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên tòa tuyên buộc Trường Mẫu giáo Tân Thanh phải có trách nhiệm bồi thường số tiền như tòa sơ thẩm đã tuyên, phải nhận bà Vị trở lại làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và phải tiếp tục trả lương cho bà Vị kể từ ngày 9/10/2019 theo mức lương bà Vị thực nhận trước khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cũng như thực hiện việc đóng các khoản bảo hiểm cho bà theo quy định của pháp luật.