Đón 'sóng' đầu tư về Đất Tổ
Năm 2021 sắp khép lại với nhiều điểm sáng, đồng thời xen lẫn những khó khăn, thử thách trong nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh. Vào thời khắc đón chào năm mới 2022 cũng là lúc chúng ta cùng nhìn lại về một năm đầy nỗ lực và xác định mục tiêu phấn đấu cho năm mới để đón 'sóng' đầu tư về Đất Tổ với niềm tin mới, quyết tâm mới.
Đồng chí Bùi Minh Châu- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thăm mô hình quy hoạch tổng thể KCN Phú Hà (thị xã Phú Thọ).
Điểm sáng trong gian khó
Chia sẻ với phóng viên Báo Phú Thọ, đồng chí Trịnh Thế Truyền-TUV, Giám đốc Sở KH&ĐT bày tỏ niềm lạc quan về một năm mới 2022 thắng lợi đối với lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh. Niềm tin được tạo dựng nên bởi những thành tựu, kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng tỉnh vẫn trở thành điểm sáng nổi bật trong các tỉnh Trung du miền núi nói chung về lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo tiền đề cho việc phát triển KT-XH, thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.Trong năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 82 dự án đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn với tổng vốn đăng ký 19,5 ngàn tỉ đồng, trong đó có 12 dự án FDI đăng ký mới với vốn đăng ký hơn 800 triệu USD; 16 dự án FDI đăng ký tăng vốn và 6 lượt dự án được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt gần 500 triệu USD. Theo xếp hạng của Cục Đầu tư ngoài nước (Bộ KH&ĐT), trong 10 tháng năm 2021, Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về thu hút FDI. Điều này thể hiện rõ ở kết quả xếp loại của các tổ chức, cơ quan có liên quan về bốn chỉ số: PCI, PAR- Index, PAPI, SIPAS cho thấy thứ tự xếp hạng chung các chỉ số và các chỉ số thành phần của tỉnh đã có sự tiến bộ rõ nét, tạo lòng tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.Theo kết quả điều tra PCI, chỉ số gia nhập thị trường năm 2020 tăng chín bậc so với năm 2015, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành. Doanh nghiệp đánh giá Phú Thọ có nhiều sáng kiến hay ở cấp tỉnh được thực thi tốt ở các sở, ngành (tăng 44 bậc, xếp thứ 12/63) và có chủ trương đúng, được thực thi tốt ở cấp huyện, thành, thị (tăng 56 bậc, xếp thứ 4/63). Việc công khai thủ tục đăng ký doanh nghiệp đứng trong top 7/63 tỉnh, thành; tỉ lệ trả lời văn bản, thông tin lại doanh nghiệp xếp thứ 6/63; tỉ lệ doanh nghiệp trả lời phải thỏa thuận với cán bộ thuế xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố...
Công ty xây dựng Đức Anh khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đón các nhà đầu tư vào KCN Cẩm Khê.
Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện đã đón “sóng” đầu tư về Phú Thọ. Trong giai đoạn 2016-2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá, bình quân 8,17%/năm (tương đương 726 doanh nghiệp/năm); kết quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng có sự tăng trưởng ổn định (doanh nghiệp nhà nước tăng 4,4%, ngoài quốc doanh tăng 15,3%, doanh nghiệp FDI tăng 15,3%). Trong giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ đóng góp của doanh nghiệp trong GRDP của tỉnh đến năm 2020 đạt trên 38,7 ngàn tỉ đồng, tương đương 56,2%, riêng doanh nghiệp FDI đóng góp trên 10,1 ngàn tỉ đồng. Năm 2021, mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ước đạt 6,09% (kế hoạch 6%); tổng thu ngân sách ước đạt trên 7,5 ngàn tỉ đồng (tăng 26,7% so với dự toán và tăng 3% so với năm 2020).
Quyết tâm mới
Những nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh được doanh nghiệp, doanh nhân đánh giá cao; đồng thời cũng tạo niềm tin để các chủ đầu tư tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2021, nhiều nhà đầu tư ở Phú Thọ vẫn tiếp tục mở rộng dự án, vừa góp phần giải bài toán sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.Công ty TNHH JNTC Vina (KCN Thụy Vân-TP Việt Trì) là một ví dụ. Năm 2021, Công ty đã đầu tư mở rộng dự án (Nhà máy 3) tại lô B4 KCN Thụy Vân với diện tích trên 49,6 ngàn m2 để sản xuất kính cường lực cho màn hình ô tô, đồng hồ; kính ốp cho camera. Dự án mở rộng có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD. Theo ông Kim Myung Hwan- Chủ tịch Công ty TNHH JNTC Vina thì việc khai thác thêm khách hàng vừa góp phần thực hiện chiến lược kinh doanh của Công ty, vừa giữ việc làm cho người lao động, cùng nhau vượt khó khăn do dịch bệnh gây ra. “Từ khi đầu tư vào tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trong việc tạo điều kiện thuận lợi và có được môi trường đầu tư tốt tại đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch đầu tư nhà máy thứ 4 tại tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới”, Chủ tịch Kim Myung Hwan khẳng định.Tương tự, Công ty cổ phần CMC (KCN Thụy Vân) là đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, với ngành nghề chính là sản xuất gạch ngói tráng men các loại. Công ty đang lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư dự án Nhà máy gạch số 2 (giai đoạn IV) tại KCN Thụy Vân, với tổng vốn đầu tư gần 231,89 tỉ đồng. Dự kiến quý 2 năm 2022, dự án sẽ đi vào hoạt động, thu hút thêm 125 lao động chủ yếu là nhân lực của địa phương, đưa doanh thu của Công ty thêm khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm. Ông Ngô Đức Vũ- Chủ tịch HĐQT Công ty CMC khẳng định: “Công ty chúng tôi hoàn toàn yên tâm về môi trường đầu tư rất thông thoáng tại tỉnh Phú Thọ, cộng với vị trí địa lý thuận tiện trong giao thông đi lại, gần các nguồn cung cấp nguyên vật liệu chính là điều kiện tốt để Công ty chúng tôi đầu tư, phát triển”.
Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025: Chỉ số PCI xếp hạng nhóm 15/63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAR Index duy trì xếp hạng nhóm 10/63; chỉ số SIPAS xếp hạng nhóm 15/63 (tăng 6 bậc), chỉ số PAPI xếp trong top 15/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 23 bậc so với năm 2020); thu hút vốn FDI đăng ký 2-2,5 tỉ USD; có khoảng 11.000 doanh nghiệp, tăng bình quân 12%/năm, trong đó có 220 doanh nghiệp FDI.
Đem những đánh giá của nhà đầu tư chia sẻ với Giám đốc Sở KH&ĐT Trịnh Thế Truyền, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt ông. Như để khẳng định thêm, ông cho biết, để “hút” được các dự án lớn về cho Phú Thọ, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng các KCN, CCN... đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trọng điểm là GPMB, đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai...
Theo tinh thần Nghị quyết số 61-NQ/TU, ngày 13/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất; tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh chung của tỉnh. Mục tiêu nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Khi đầu tư vào tỉnh Phú Thọ, nhà đầu tư sẽ luôn được chính quyền đồng hành, sát cánh trong suốt quá trình tìm hiểu và triển khai dự án, với phương châm thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Cùng với đó, địa phương cũng tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính đảm bảo nhanh nhất, thuận lợi nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư nhằm thực hiện thành công các dự án trên địa bàn như khẳng định của đồng chí Bùi Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh. Đây cũng là thông điệp chào năm mới 2022 và cũng là cam kết để Phú Thọ đón những nhà đầu tư lớn về đầu tư trên địa bàn.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/don-%E2%80%9Csong%E2%80%9D-dau-tu-ve-dat-to-181923