Dồn sức cho 'kỳ họp lịch sử' của Quốc hội

Bên cạnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XV còn có rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều đang dồn sức cho kỳ họp lịch sử này.

Tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Trong ảnh: Hạ tầng khu vực huyện Đan Phượng (Hà Nội)

Tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Trong ảnh: Hạ tầng khu vực huyện Đan Phượng (Hà Nội)

Ưu tiên nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, chậm nhất là ngày mai (5/4), Kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XV sẽ được triệu tập. Đây là kỳ họp mang tính lịch sử, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy. Với dự kiến kéo dài hai tháng, Kỳ họp thứ chín cũng có thể là kỳ họp dài nhất từ trước tới nay.

Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang rất khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng”, triển khai các nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy, Quốc hội họp sớm hơn thông lệ nửa tháng (dự kiến khai mạc Kỳ họp thứ chín vào ngày 5/5), bởi nhiều nội dung được Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/6.

Không tổ chức cấp huyện, sáp nhập tỉnh, tất nhiên phải sửa Hiến pháp. Dù nội dung sửa đổi không nhiều, nhưng đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, phải bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và ý kiến nhân dân. Vì thế, theo Chủ tịch Quốc hội, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội “sẽ không tính họp bao nhiêu lần, mà sẽ họp liên tục, họp tới chừng nào đã chín, đã rõ, mới tổng hợp để báo cáo”.

Bên cạnh một số điều của Hiến pháp năm 2013, dự kiến còn nhiều nội dung khác cũng cần sửa đổi để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ chín. Theo đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cần được sửa đổi toàn diện. Các luật cần sửa đổi có Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Thanh tra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Trong danh sách cần sửa đổi ngay còn có một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn và Luật Thanh niên và nhiều luật khác nữa.

Ngày 1/4 vừa qua, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Thành Long, Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật đã họp phiên thứ 5. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, sau khi rà soát văn bản theo định hướng sửa đổi Hiến pháp, Bộ Tài chính cần phải sửa đổi 195 văn bản quy phạm pháp luật. Với khối lượng công việc rất lớn đó, các đơn vị của Bộ Tài chính đang làm việc ngày đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát 19.224 văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã và một số vấn đề khác liên quan đến cấp huyện, cấp xã cần nghiên cứu, xác định phương án xử lý theo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

“Công việc trước mắt rất lớn, không còn thời gian để lùi”, Phó thủ tướng Lê Thành Long lưu ý khi kết luận phiên họp.

Tại một cuộc họp khác, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, từ ngày 1/5, các tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét. Bộ Nội vụ sẽ hỗ trợ các bộ, ngành điều chỉnh các văn bản pháp luật để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Bộ Nội vụ cũng đặt mục tiêu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội các công việc liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 30/6.

Trình Quốc hội những nội dung về Trung tâm tài chính tại Việt Nam

Ngoài các nội dung thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy, Kỳ họp thứ chín của Quốc hội còn dành thời gian cho nhiều nội dung quan trọng khác, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế đất nước.

Theo chương trình dự kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Rút ngắn thời gian chất vấn

Theo thông lệ, tại mỗi kỳ họp, Quốc hội dành từ 2 đến 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn. Tại Kỳ họp thứ chín, để dành thời gian cho Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận về các vấn đề cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về sắp xếp tổ chức bộ máy và các vấn đề quan trọng khác, Tổng thư ký Quốc hội dự kiến thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 1,5 ngày. Chủ tịch Quốc hội đã đồng ý với dự kiến này.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam, nhằm lắng nghe các ý kiến đóng góp và phản biện từ các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế với vấn đề rất mới này.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thông tin, Chính phủ đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam nhằm thiết lập khung pháp lý mở, minh bạch với các chính sách ưu đãi đặc thù vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng ở Kỳ họp thứ chín của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)…

Dự kiến nội dung Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Quốc hội còn có điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 cũng là nội dung dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội.

Bên cạnh các nội dung mới cần được chuẩn bị để trình Quốc hội, tháng 4 này, Bộ Tài chính còn cần phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Hai dự thảo luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 43 (tháng 3/2025), sẽ được Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ chín.

Với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, đây là dự án luật khó, có tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các nội dung sửa đổi, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, góp phần tạo đột phá, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, phục vụ mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và trong những năm tiếp theo liên tục trên 2 con số.

Về một số vấn đề được xin ý kiến ở Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương nghiên cứu hình thức cho trừ chi phí bổ sung đối với các khoản chi nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp như đã được quy định tại một số nghị quyết thí điểm, để góp phần triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, bổ sung Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản thi hành Luật về chi phí được trừ, mức trừ bổ sung, phạm vi áp dụng đối với các khoản chi của doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Lưu ý từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần nghiên cứu thêm các quy định để tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57-NQ/TW.

Trong tháng 4, có thể còn có những nội dung được bổ sung, điều chỉnh, song theo con số từ Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng, dự kiến tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến, 44 nội dung thuộc công tác lập pháp. Quốc hội cũng sẽ đặt lên bàn nghị sự 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-suc-cho-ky-hop-lich-su-cua-quoc-hoi-d261932.html