Dồn sức gỡ 'thẻ vàng' IUU

Dự kiến tháng 4 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lần thứ 4 sang Việt Nam kiểm tra công tác triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Để gỡ được 'thẻ vàng' và tránh lên 'thẻ đỏ', lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương tập trung mọi nguồn lực khắc phục những hạn chế EC đã chỉ ra trong lần kiểm tra trước.

Vẫn còn tàu cá vi phạm

Tháng 10.2022, Đoàn công tác của EC lần thứ 3 sang Việt Nam kiểm tra tình hình khắc phục thẻ vàng IUU và đến ngày 16.12.2022, Đoàn công tác đã đưa ra kết quả chính thức.

Phấu đấu đến tháng 6.2023, Việt Nam sẽ gỡ thẻ vàng IUU. Nguồn: ITN

Phấu đấu đến tháng 6.2023, Việt Nam sẽ gỡ thẻ vàng IUU. Nguồn: ITN

Tại hội nghị phổ biến kết quả làm việc với Đoàn thanh tra của EC và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU ngày 3.2, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, EC ghi nhận những tiến bộ, tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của Việt Nam đối với các khuyến nghị. Khung pháp lý của Việt Nam được đánh giá là toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tỉnh Khánh Hòa, nơi Đoàn công tác của EC đến kiểm tra thực tế, có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU.

Tuy vậy, EC cũng chỉ rõ việc thực thi nhiều quy định pháp lý mới vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Mặc dù giám sát đội tàu đã được cải thiện nhưng số lượng trường hợp mất kết nối vẫn còn lớn. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ IUU. Vấn đề nghiêm trọng đã được xác định liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container.

Đáng lo ngại nhất còn tồn tại là số lượng lớn tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng. Đến nay, dù tàu vi phạm vùng biển nước ngoài còn cao, nhưng xử phạt nhóm tàu vi phạm này còn thấp. Đơn cử như năm 2021: 105 tàu vi phạm, xử phạt được 7 tàu. Đến tháng 11.2022 có 98 tàu vi phạm, nhưng chỉ 32 tàu có thông tin xử lý, 12 tàu có quyết định xử phạt. Do đó, EC tiếp tục khuyến nghị Việt Nam về việc theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật.

Qua kiểm tra, Tổng cục Thủy sản thống kê, đến hết năm 2022, đã có 96,35% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); 86,7% tàu cá được cấp phép; có 157 lượt tàu từ 24m bị mất kết nối; chỉ trong tháng 1.2023 đã có tới 6 tàu bị Malaysia bắt giữ.

Phấn đấu gỡ thẻ vàng IUU trong tháng 6

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá các bộ, ngành, địa phương đã rất cố gắng, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Tuy nhiên, kết quả EC ghi nhận tại đợt thanh tra lần thứ 3 cho thấy còn rất nhiều hạn chế. Điều này gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản và ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam cũng như hình ảnh quốc gia; ông Tiến nhấn mạnh, không thể để tình trạng này kéo dài, nếu không sớm khắc phục các hạn chế nguy cơ bị “thẻ đỏ” rất cao.

Để chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 dự kiến vào tháng 4.2023, và phấn đấu đến tháng 6.2023 gỡ được thẻ vàng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tiếp tục dồn lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là tập trung nguồn lực bảo đảm ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Khẩn trương rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; bảo đảm thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá của tỉnh khác cập cảng làm xác nhận nhưng thực hiện chứng nhận tại tỉnh khác. Khẩn trương rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác tổ chức giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương. Bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản.

Về thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính cần mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi khai thác IUU theo quy định. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU.

Tại hội nghị, 28 tỉnh, thành phố ven biển đều thống nhất nỗ lực chung tay thực hiện tốt các khuyến nghị từ phía EC, hướng tới gỡ thẻ vàng, phát triển ngành thủy sản bền vững.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/don-suc-go-the-vang-iuu-i315374/