Dồn sức triển khai Dự án đường trục phía Nam Hà Nội
Dự án đường trục phía Nam Hà Nội là một trong những tuyến huyết mạch có ý nghĩa quan trọng kết nối các huyện phía Nam: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai và quận Hà Đông với trung tâm thành phố Hà Nội. Theo dự kiến ban đầu công trình sẽ hoàn thành vào năm 2014, song đến nay mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 20km tính từ điểm đầu. Mới đây, một trong những 'nút thắt' của Dự án được giải quyết khi giải phóng mặt bằng diện tích thuộc địa bàn xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên. Các đơn vị liên quan đang nỗ lực dồn sức triển khai thi công đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Đường trục phía Nam Hà Nội dài 41,5km được khởi công năm 2008, điểm đầu giao với đường Phúc La - Văn Phú (phường Kiến Hưng, Hà Đông), điểm cuối tiếp giao với Quốc lộ 1A - đoạn qua cầu Giẽ (xã Châu Can, Phú Xuyên). Theo dự kiến ban đầu công trình sẽ hoàn thành vào năm 2014, song, trước ngày 13/8/2024 mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 20km tính từ điểm đầu; đoạn Km18+700 đang vướng mặt bằng do vấn đề giải quyết quyền lợi đối với 15 trường hợp do Ủy ban nhân dân (UBND) xã Hồng Minh giao đất trái thẩm quyền năm 2008, khiến cho việc thi công bị đứt đoạn.
Nhiều năm qua, UBND huyện Phú Xuyên và UBND xã Hồng Minh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động và đối thoại, nhằm giúp các hộ gia đình hiểu rõ bản chất sự việc, phối hợp với các đơn vị tự giác thu dọn cây trồng cũng như tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng thi công dự án. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn chưa đồng thuận khiến dự án chưa thể triển khai được đoạn qua địa bàn xã Hồng Minh.
Được biết, ngày 24/5/2024, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với 15 trường hợp giao đất trái thẩm quyền năm 2008 để người dân hiểu và chấp thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất... Tại buổi đối thoại, theo bà Nguyễn Thị Lánh - đại diện thửa đất của hộ ông Nguyễn Văn Hiến, bà và gia đình nhất trí ủng hộ chủ trương của Nhà nước trong việc giải phóng mặt bằng khu giãn dân thôn Phù Bật để thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ).
Tuy nhiên, gia đình bà Lánh và 14 hộ dân khác đều mong muốn được bồi thường về đất và các công trình, hoa màu trên đất như các hộ trong cùng dự án đất giãn dân của địa phương đã giao năm 2008, bởi gia đình đã thực hiện nghĩa vụ tài chính như các hộ được giao đúng thẩm quyền với số tiền 23.400.000 đồng/lô. Số tiền này các hộ đều đã nộp ngân sách Nhà nước.
Còn đại diện thửa đất của ông Nguyễn Quang Diễn mong Nhà nước nhanh chóng bồi thường cho các hộ dân như 98 hộ dân cùng giao đất tại thời điểm năm 2008 để người dân được nhận tiền, ổn định cuộc sống. Người dân đã mất quyền sử dụng đất, nay lại không được quyền lợi trong bồi thường giải phóng mặt bằng mà chỉ được hỗ trợ một phần tài sản trên đất là bất công bằng...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Nguyễn Văn Lừng, các thửa này là đất giao trái thẩm quyền có nguồn gốc đất công, do cán bộ làm sai. Trong quyết định của huyện chỉ có hơn 13.000m2 nhưng xã đã cấp vượt lên hơn 20.000m2 cho gần 200 hộ. Đây là sai của cán bộ, còn với người dân, việc nộp tiền, giao đất tại địa phương đều được thực hiện công khai.
Để ổn định tình hình địa phương, xã có nhiều văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng, song đều trả lời không có chính sách bồi thường cho đất giao trái thẩm quyền. Tới đây, xã Hồng Minh có nhiều dự án giải phóng mặt bằng liên quan đến các hộ dân thuộc diện giao trái thẩm quyền, không chỉ có 15 hộ này bị ảnh hưởng, nhiều hộ khác cũng thuộc diện tương tự. Do đó, chính quyền địa phương mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, vận dụng, chính sách phù hợp thực tiễn.
Tiếp tục nỗ lực triển khai dự án
Sáng 13/8/2024, UBND huyện Phú Xuyên đã áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính, thu hồi 1.930,4m2 đất nông nghiệp do UBND xã giao bán trái quy định nằm ở vị trí tiếp giáp cây cầu bắc qua kênh Vân Đình thuộc địa bàn xã Hồng Mình. Do 6 năm qua chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng nên cầu làm xong vẫn chưa thể thông toàn tuyến giao thông trọng điểm.
Sau khi Chủ tịch UBND xã Hồng Minh Đặng Quang Duy đọc xong các quyết định cưỡng chế thu hồi đất để hoàn trả mặt bằng thi công dự án trọng điểm xây dựng đường trục phía Nam, lực lượng chức năng của huyện và xã tiến hành bảo vệ khu vực, thu dọn cây trồng, đồng thời san lấp mặt bằng do các hộ gia đình không chấp hành thực hiện. Quá trình lực lượng chức năng huyện Phú Xuyên và xã Hồng Minh tiến hành các bước cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật được tổ chức trong buổi sáng đã hoàn thành và không xảy ra hành vi cản trở. Cùng với đó, UBND huyện Phú Xuyên tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án đoạn giáp ranh với cầu bắc qua kênh Vân Đình…
Ngày 15/8/2024, chúng tôi theo chân các cán bộ xã Hồng Minh tới hiện trường khu vực vừa giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, thời điểm giữa tháng 8, giữa buổi trưa nắng gắt nhưng đơn vị thi công vẫn đang triển khai việc san lấp mặt bằng. Đại diện Ban quản lý dự án cho biết, cùng với chính quyền các cấp, chúng tôi đang nỗ lực hết mình để dự án có thể được hoàn thành trước ngày 10/10/2024 theo tiến độ mới nhất được giao…
Chỉ vào vị trí đất đã được đơn vị thi công đổ đất, đang thi công ngay sát mặt đường tỉnh lộ 429, Bà Trần Thị Tân ở thôn Phù Bật, xã Hồng Minh, cho biết, mặc dù chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng, song để bảo đảm tiến độ dự án, gia đình tôi vẫn đồng ý để đơn vị thi công đổ đất, san nền... Bởi, hầu hết các hộ gia đình thuộc diện phải giải phóng mặt bằng rất mong dự án sớm hoàn thành, góp phần thay đổi đời sống của người dân địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lừng - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Minh, cho biết: Chính quyền đã phối hợp với rất nhiều cơ quan chức năng của huyện, trung tâm phát triển quỹ đất, phòng tài nguyên môi trường, tập trung đối thoại, tuyên truyền vận động tới các hộ dân để làm sao đồng thuận với các cơ chế chính sách của nhà nước hiện có, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thành phố. Tuy nhiên, một số hộ chưa đồng thuận vì không có cơ chế hỗ trợ cho người dân thỏa đáng như các hộ đã được đền bù theo quy định. UBND xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân, thực hiện việc bàn giao đất lại cho đơn vị thi công để tổ chức thực hiện thi công đảm bảo đúng tiến độ…
Theo Phó Chủ tịch UNBD xã Hồng Minh, đa số người dân cũng đã đồng thuận với quan điểm thủ trương đó và cũng không có các hành động cản trở. Nhưng tâm tư nguyện vọng của người dân vẫn mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đảm bảo hỗ trợ cho các quyền lợi cho người dân, tránh thiệt thòi, đảm bảo công bằng giữa các hộ được xét duyệt năm 2008. Cho đến nay, 15 hộ cũng đã thực hiện việc cưỡng chế giao đất của đơn vị thi công đang tổ chức thực hiện. Trong thời gian tới, mong rằng các đơn vị thì công cố gắng đẩy nhanh tốc độ, đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thành phố, để làm sao tuyến đường huyết mạch của nhân dân địa phương được thông tuyến, để nhằm mục đích đi lại cho nhân dân được thuận lợi, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.