Dồn sức xây dựng tuyến đường chiến lược

Xác định, đường vành đai V (đoạn qua Thái Nguyên) là một trong những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nên ngay từ khi triển khai triển khai (năm 2018), các cấp, ngành và chính quyền địa phương có Dự án đi qua đã nỗ lực, với một quyết tâm cao để hoàn thành tuyến đường…

Đơn vị thi công lát vỉa hè tại gói thầu số 2, đoạn qua xã Nga My (Phú Bình).

Đơn vị thi công lát vỉa hè tại gói thầu số 2, đoạn qua xã Nga My (Phú Bình).

Đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài hơn 330km, đi qua 8 tỉnh, gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, đoạn đi qua địa phận Thái Nguyên có chiều dài 28,9km (có một số đoạn trùng với Quốc lộ 3 mới và trùng với Quốc lộ 37). Tuyến đường vành đai 5 qua Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Bề rộng nền đường là 33m, bệ rộng mặt đường 24m, giải phân cách 5m.

Đường vành đai V - Vùng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014, trong đó đoạn qua tỉnh Thái Nguyên có chiều dài gần 29km. Năm 2018, UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý các công trình giao thông làm chủ đầu tư và bắt đầu triển khai xây dựng đường vành đai V, với chiều dài 9,16km nối từ nút giao Yên Bình (Quốc lộ 3 mới), điểm cuối là xã Xuân Phương (Phú Bình).

Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông Thái Nguyên chia sẻ: Đây là một trong những dự án xây dựng đường giao thông có quy mô đầu tư lớn nhất của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020. Bởi khi hoàn thành Dự án, tuyến đường có ý nghĩa quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giúp kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với các tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang, giữa hai địa phương Phú Bình và Phổ Yên…

Đặc biệt, tuyến đường vành đai V đoạn qua Thái Nguyên nối từ Quốc lộ 3 mới, Quốc lộ 3 với Quốc lộ 37 (3 tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng nhất của tỉnh) sẽ giúp việc đi lại của nhân dân cũng như thông thương hàng hóa thuận tiện hơn. Còn đối với hai địa phương, huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên - đây là những khu vực có địa hình bằng phẳng, có điều kiện để phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao (đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch). Khi tuyến đường hoàn thành, giúp huyện Phú Bình - T.X Phổ Yên tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, khi Dự án này hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Phú Bình và Phổ Yên (giảm được hơn 10km) tạo điều kiện rất lớn để người dân chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề (từ lao động nông nghiệp sang phát triển dịch vụ, lao động trong các nhà máy) phát triển kinh tế.

Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ tại gói thầu số 6, đoàn qua phường Đồng Tiến (Phổ Yên).

Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ tại gói thầu số 6, đoàn qua phường Đồng Tiến (Phổ Yên).

Ông Nguyễn Văn Thoa, ở xóm Quán Chè, xã Nga My (Phú Bình) cho biết: Trong xóm có gần 40 lao động làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình. Hiện nay, phải đi qua Tỉnh lộ 266 rồi lên Điềm Thụy mới xuống được Khu công nghiệp để làm việc. Sắp tới, tuyến đường này hoàn thiện người dân trong xóm đi làm tại Khu công nghiệp Yên Bình chỉ hết gần 10 phút. Người dân trong xóm rất vui mừng, phần lớn đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư… Mặt khác, Dự án xây dựng cây cầu qua sông Cầu, nối hai xã Xuân Phương và Nga My, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện. Còn trước đây, bà còn phải đi đường vòng hoặc phải đi qua đò ngang rất nguy hiểm.

Với gần 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Dự án, trong đó, huyện Phú Bình có 665 hộ và T.X Phổ Yên có 519 hộ nên công tác giải phóng mặt bằng được các cấp, ngành của tỉnh, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Vì vậy, ngay từ khi triển khai, chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua đã tích cực phối hợp với chủ đầu tư tuyên truyền, tổ chức hàng chục cuộc đối thoại với người dân bị ảnh hưởng. Nhờ vậy, đến nay, huyện Phú Bình chỉ còn 6 hộ dân (trong đó, 2 hộ đang tháo dỡ nhà để giao mặt bằng, 4 hộ chưa tháo dỡ nhà), T.X Phổ Yên còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng (do đất tái định cư chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Có mặt tại gói thầu xây lắp số 3, chúng tôi ghi nhận nhà thầu thi công (Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Tân Thịnh Thái Nguyên) đang tập trung công nhân hoàn thành vệc lát vỉa hè, trồng cây xanh hai bên đường. Kỹ sư Nguyễn Đức Cường Quản lý kỹ thuật của đơn vị thi công gói thầu số 6 thông tin: Hiện nay, gói thầu của chúng tôi thi công chiều dài 500m đã cơ bản hoàn thành… Còn gói thầu số 6, đơn vị thi công đang tập trung phương tiện, công nhân để làm nền đường.

Ông Trần Trọng Cường, Trưởng Phòng Quản lý Dự án 1 - Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Việcđền bù, giải phóng mặt bằng lớn nên để đảm bảo tiến độ thi công, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phải tập trung thi công theo hình thức “cuốn chiếu” (giải phóng mặt bằng được đến đâu thi công đến đó). Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2020, nhưng hiện nay gói thầu số 3 và gói số 6 chưa phá dỡ nhà ở để bàn giao mặt bằng và một gói thầu (gói thầu số 2) phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế nên bị chậm tiến độ và phải xin ra hạn đến năm 2021 sẽ hoàn thành. Đến nay, có 3/6 gói thầu, gồm: 3, 4, 5 đã cơ bản hoàn thành. Hiện nay, toàn bộ Dự án đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công trình. Riêng gói thầu số 2, hiện chủ đầu tư đã trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh hồ sơ thiết kế. Khi công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý hoàn thành thì việc thi công sẽ được đẩy nhanh để đảm bảo hoàn thành tiến độ.

Dương Hưng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-thong/don-suc-xay-dung-tuyen-duong-chien-luoc-280173-103.html