Đón tết nhớ tết
“…Tôi viết cho bạn lá thư này khi lên tiểu đoàn cắt khẩu hiệu. Mấy hôm nay tôi dựa khẩu súng bên cạnh và làm việc với cây bút là chủ yếu. Tôi làm báo tường cho đại đội, cho trung đội, những việc mà người ta gọi là có hoa tay. Bạn cứ hình dung ra tôi như thế này: “Trong cả đại đội có một chiến sĩ nhỏ con nhất, vui tính và hay cười, luôn luôn có mặt trong công tác văn hóa văn nghệ thể thao. Có một đặc điểm nữa là hay viết thư và nhận được nhiều thư nhất đại đội”… Đêm liên hoan, tôi thổi sáo, các chiến sĩ xung quanh hát và lấy môi (muỗng) ăn cơm gõ nhịp hát đón xuân”…
Đây là lá thư hơn 50 năm trước, khi tôi là một tân binh đang huấn luyện ở tỉnh Hòa Bình. Đó là cái tết xa nhà đầu tiên của tôi.
Dịp tết năm nay, tôi bồi hồi nhớ lại những tết trước.
Dường như tâm lý hoài niệm bao giờ cũng khiến những cái tết xưa thường nhiều kỷ niệm, nhiều ký ức đẹp. Khi ta lớn lên thì nhớ tết trẻ con, ra thành thị thì nhớ tết quê, đi nước ngoài thì nhớ tết Việt, ở lính thì nhớ tết nhà… Và, một ý niệm rất thân thương của người dân Việt Nam: Gia đình, cha mẹ ở đâu thì tết ở đó, vì thế, tết là sum họp, tết là đoàn viên. Biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng nhưng tôi vẫn nhớ về cái tết nghèo bộ đội thời trai trẻ. Món quà tết tuyệt vời nhất là thư của gia đình và bạn bè. Niềm vui lớn nhất là xuyên rừng lên thị trấn chụp ảnh, làm quen với các cô hàng xén. Rồi thì những đêm văn nghệ bỏ túi không có khán giả. Đêm về cũng khối thằng nhớ nhà trùm mền khóc thầm…
Tôi lớn lên trong thời chiến, thời đi sơ tán khi Mỹ ném bom miền Bắc, thời bao cấp… Thời đó nghèo, những cái tết thật nghèo nhưng ấm áp, tết trong gia đình với nhau, các hội đồng hương, cơ quan, ban ngành thì họp mặt, thế là tết rồi.
Sau này, điều kiện sum họp gia đình cũng khó khăn hơn những năm đi bộ đội xa nhà, nhưng nó làm sâu nặng hơn, day dứt hơn và cũng ý nghĩa hơn những cuộc gặp gỡ đoàn tụ của những người dân đã trải qua một thời đạn bom, một thời hòa bình. Những thời điểm sau này, tết thường gọn nhẹ hơn trong khuôn khổ gia đình, bà con, láng giềng, địa phương nơi mình sinh sống.
Sau năm 1975, tôi vào Nam ăn tết cùng gia đình, họ hàng nội ngoại. Phong tục tập quán không khác nhau là mấy. Tết ở đâu cũng thế, vẫn rất trọng việc sum họp, cúng kiếng, chúc tết cha mẹ… Giai đoạn sau này, tết khác trước với những cái tết ly tán, tết xa quê, tết kinh tế mới, tết nghèo thành thị, tết sinh viên, tết công nhân…
Những cái tết trước đây, ngoài những niềm vui, hạnh phúc thì cũng có khá nhiều lo âu, tính toán. Người ta vẫn có câu: “Vắng như chiều 30 tết”. Ngày tết, mọi người và nhiều cửa hàng về quê hoặc nghỉ buôn bán để sum họp gia đình. Người tiêu dùng thường phải lo mua sắm tích trữ hàng hóa cho dịp tết. Nay thì nhịp độ cuộc sống và cách thức đón tết của người dân đã thay đổi. Nhiều cửa hàng, nhiều hoạt động mở cửa hoạt động trong cả dịp tết, thậm chí chỉ nghỉ mỗi chiều 30 để cúng kiếng. Nhiều người có đầu óc kinh doanh đã biến những ngày nghỉ tết thành cơ hội kiếm tiền hữu hiệu.
Khi đời sống phát triển, các thói quen ăn tết khác đi nhiều. Các gia đình và một bộ phận người dân có thu nhập khá đã bắt đầu thay đổi cách đón xuân, nghỉ tết bằng những chuyến về quê kết hợp du lịch. Nhiều gia đình “trốn tết” bằng những chuyến du lịch trong và ngoài nước dài ngày, hết tết mới về. Trước là để tránh cái tết nhiều ràng buộc, sau là tận hưởng một cái tết xa quê kiểu hiện đại.
Hay như từ những cuộc sum họp mang tính chất gia đình, tết đã có những hoạt động, những chuyến đi, những mục tiêu hướng đến công tác xã hội, việc làm thiện nguyện, hướng về các chiến sĩ, biên giới, hải đảo, hướng đến người nghèo, đến kiều bào nơi xa Tổ quốc…
Những thay đổi trong ngày tết dân tộc cũng được phản ánh qua nhạc xuân. Thời trẻ, bọn tôi hát Xuân chiến khu, rồi Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh, giới trẻ sau này hát cả Xuân này con không về… Nhưng tất cả đều toát lên một khát khao, một mong ước không gì đổi thay được của người dân Việt Nam - đó là được sum họp, đoàn tụ gia đình mỗi khi tết đến, xuân về.
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313099/don-tet-nho-tet.html