Đón Tết tại Đắk Lắk, chàng rể Bỉ bất ngờ trước phong tục lạ ở nhà vợ

Lần đầu tiên Mén Cheo đón Tết ở Việt Nam là năm 2020, cũng là lần đầu tiên Cheo gặp Thúy ngoài đời thực sau 1 năm trò chuyện với nhau qua mạng.

Lời tòa soạn:

Tết Nguyên đán luôn là dịp sum họp của bao gia đình Việt. Có những chàng rể người nước ngoài sống ở Việt Nam nhiều năm cũng dần trở nên quen thuộc với Tết cổ truyền. Cùng với gia đình vợ, họ nhiệt tình tham dự các hoạt động ngày Tết như một người Việt thực thụ.

VietNamNet giới thiệu loạt bài Tây ăn Tết ta ghi lại những hình ảnh ấm cúng về người nước ngoài ăn Tết ở Việt Nam.

Thúy và Cheo hiện sống ở Đắk Lắk

Thúy và Cheo hiện sống ở Đắk Lắk

Đến nay, Cheo và Thúy đã kết hôn, hiện sống ở Đắk Lắk và năm nay là năm thứ 5 Cheo ăn Tết Việt.

Ngay từ những ngày đầu quen nhau, nghe Thúy kể về Tết, Cheo đã rất háo hức muốn trải nghiệm ngày lễ quan trọng này của người Việt. Vì thế, lần đầu gặp, Thúy đã sắp xếp đúng vào dịp Tết để bạn trai có cơ hội tham gia cùng gia đình mình.

Sang đến năm thứ 5, chàng rể người Bỉ đã thành thục các hoạt động trước và trong Tết như một người Việt thực thụ.

Dù đã ở riêng nhưng mỗi dịp Tết, vợ chồng trẻ đều dành nhiều thời gian đón Tết cùng gia đình Thúy. Những ngày giáp Tết, Cheo luôn theo Thúy về nhà phụ cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, quét sân vườn, lau chùi bàn thờ tổ tiên.

“Cheo đặc biệt mê bánh chưng, bánh tét. Anh nói đây là lần đầu anh được ăn thử một loại nếp dẻo như thế, lại được kết hợp cùng thịt và đậu xanh rất ngon. Đặc biệt nhất là bánh được gói cẩn thận bằng lá chuối.

Không riêng bánh chưng, bánh tét, Cheo đặc biệt thích ẩm thực Việt Nam, món nào cũng muốn ăn thử. Hầu như chưa có món nào làm anh ấy thất vọng”, Thúy kể.

Cheo gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết

Cheo gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết

Thúy chia sẻ, Cheo chưa tự gói được bánh chưng, bánh tét nhưng rất tích cực làm “trợ lý” lau lá, cột dây lạt cho ba vợ và rất thích thú với hoạt động này.

Vào ngày gói bánh, hai vợ chồng luôn ở lại nhà ba mẹ đến khuya để trông nồi bánh cùng mọi người.

Năm nào cũng vậy, vợ chồng anh đều sắp xếp về nhà ba mẹ thật sớm để cùng đón giao thừa vì “anh biết Thúy rất trông mong ngày này”.

Những ngày Tết, khi ba mẹ và vợ nấu nướng, Cheo luôn giúp mọi người, ai làm gì anh cũng tham gia, không bao giờ ngồi chơi khi mọi người làm việc. Anh không ngại dọn dẹp và rửa chén bát cùng các chị em trong nhà sau mỗi bữa ăn.

Mùng 1 Tết, hai vợ chồng dậy thật sớm để chuẩn bị ăn uống và sửa soạn quần áo đi chúc Tết ông bà và ba mẹ vợ.

Thúy nhớ, có năm Cheo được chọn là người xông đất cho ông bà. Cheo rất cẩn thận làm theo lời dặn của ông về cách xông đất như thế nào cho đúng.

“Đây là một trải nghiệm khá thú vị với Cheo. Anh ấy đang học tiếng Việt nên cũng có thực hành trước những câu chúc Tết để chúc mọi người.

Anh chàng cũng xắn tay làm gà như nhiều chàng rể Việt Nam

Anh chàng cũng xắn tay làm gà như nhiều chàng rể Việt Nam

Hầu như vào mùng 1, cả nhà sẽ tụ tập ở nhà ông bà, trò chuyện cùng nhau và chụp hình kỷ niệm, sau đó đi thăm chúc Tết họ hàng trong nhà đến tối muộn. Ngày mùng 1 Tết của bọn mình chỉ đơn giản như vậy thôi”.

Cheo cũng rất hào hứng với việc đi chúc Tết họ hàng, vì đây cũng là dịp hiếm hoi anh được gặp đầy đủ mọi người trong nhà.

Thúy chia sẻ, những năm đầu Cheo rất ngạc nhiên vì người Việt ăn Tết to và ai cũng coi trọng Tết. “Anh thấy bất ngờ khi chứng kiến không khí chuẩn bị cho Tết rất nhộn nhịp – nhà nhà sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, tỉ mỉ nấu nướng nhiều món ngon…”.

Ai cũng dành lời khen vì Cheo rất vui vẻ tham gia cùng cả nhà. Nếu anh có thiếu sót gì thì mọi người cũng không quá khắt khe với anh. Thúy muốn Cheo được thoải mái nhất nên sẽ không ép buộc những điều mà chồng thấy không phù hợp.

Cheo cùng gia đình vợ dọn dẹp nhà cửa đón Tết

Cheo cùng gia đình vợ dọn dẹp nhà cửa đón Tết

Năm đầu tiên đón Tết ở Việt Nam, Thúy dẫn Cheo đi tảo mộ cùng gia đình. “Đây là hoạt động mang lại trải nghiệm mới lạ nhất với Cheo. Mọi người đi tảo mộ rất đông vui, nhộn nhịp nên Cheo có chút không quen. Có những điều anh ấy chưa làm bao giờ như thắp nhang vì thế anh ấy khá bối rối”.

Cũng trong năm đầu tiên đó, có một kỷ niệm thú vị mà Thúy vẫn nhớ. Trong 3 ngày Tết chính, nhà Thúy kiêng quét nhà vì các cụ quan niệm quét nhà sẽ quét đi hết tài lộc, nên mẹ cô chỉ quét rác dồn lại ở góc nhà.

Cheo không biết điều này, thấy vỏ bánh kẹo bừa bộn nên theo thói quen anh dọn dẹp và thẳng tay quét ra ngoài luôn. Mẹ Thúy liền ngăn Cheo lại, khiến anh cảm thấy khá khó hiểu. Khi nghe Thúy giải thích về phong tục này, Cheo rất ngạc nhiên.

Còn bây giờ, sau 4 cái Tết với nhà vợ, Cheo đã không còn thấy bỡ ngỡ như những ngày đầu. Anh hiểu hơn ý nghĩa của những phong tục, nét văn hóa ngày Tết nên cũng tham gia cùng mọi người một cách “thuần thục” hơn.

Năm nay cũng như mọi năm, hai vợ chồng Thúy và Cheo vẫn ưu tiên dành thời gian cho gia đình trong những ngày Tết.

“Cả năm ai cũng làm việc bận rộn, chỉ có dịp Tết là được gặp nhau đầy đủ, được đi du lịch cùng nhau. Tết cũng là lúc bọn mình thảnh thơi và được sống chậm lại một chút để nghỉ xả hơi sau một năm làm việc chăm chỉ” – Thúy chia sẻ.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/don-tet-tai-dak-lak-chang-re-bi-bat-ngo-truoc-phong-tuc-la-o-nha-vo-2364989.html