Đón thêm hàng chục tỷ USD, cạnh tranh công nghệ bán dẫn thêm khốc liệt
Đức có kế hoạch đầu tư khoảng 20 tỷ EUR (tương đương 22,15 tỷ USD) vào ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm tới.
Mở rộng sản xuất để đón bắt nhu cầu
Kế hoạch trên được Bộ Kinh tế Đức đề cập ngày 25/7 trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo động về sự mong manh của chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc vào chip bán dẫn của Hàn Quốc và Đài Loan.
Bộ Kinh tế Đức cho hay, số tiền đầu tư 20 tỷ EUR sẽ được trích từ Quỹ Chuyển đổi và Khí hậu từ năm 2024 trở đi. Đồng thời, cơ quan này chỉ có thể tài trợ cho các dự án riêng lẻ sau khi được Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận.
Tháng trước, Berlin đã đồng ý trợ cấp gần 10 tỷ EUR cho nhà sản xuất chip Intel của Mỹ để xây dựng hai cơ sở sản xuất ở thành phố Magdeburg.
Theo Reuters, hãng chip Đài Loan TSMC đang quan tâm đến việc đầu tư vào một cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Đức và Bộ Kinh tế Đức đã phối hợp chặt chẽ với hãng chip về ý định đầu tư này.
Cùng ngày 25/7, TSMC cũng công bố kế hoạch đầu tư gần 90 tỷ Đài tệ (tương đương 2,87 tỷ USD) vào một nhà máy đóng gói chip tiên tiến ở phía bắc Đài Loan.
"Để đáp ứng nhu cầu thị trường, TSMC đang lên kế hoạch thành lập một nhà máy đóng gói tiên tiến tại Công viên Khoa học Tongluo", hãng chip Đài Loan thông báo.
Giám đốc điều hành TSMC, ông C.C. Wei, tuần trước cho biết rằng hãng này không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng do sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) và có kế hoạch tăng gần gấp đôi công suất đóng gói chip tiên tiến, do nhu cầu cần đặt nhiều chip vào một thiết bị và cắt giảm chi phí gia tăng cho máy tính hiệu suất mạnh hơn.
Đối với công nghệ đóng gói tiên tiến, đặc biệt là chip trên tấm wafer trên chất nền (CoWoS) của TSMC, công suất hiện nay "rất eo hẹp", ông Wei thông tin sau khi hãng này công bố lợi nhuận quý II/2023 giảm 23%.
TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, bao gồm cả chip AI và loại chip cho Nvidia Corp, Advanced Micro Devices, Apple.
Dù mở rộng hoạt động ra nước ngoài, TSMC vẫn có kế hoạch giữ công nghệ chip tiên tiến nhất của mình ở quê nhà Đài Loan.
Cuộc đua Mỹ - Trung vẫn khốc liệt
Cạnh tranh công nghệ bán dẫn toàn cầu liên tục nóng lên sau những động thái của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc.
Các giám đốc điều hành công ty chip của Mỹ tuần trước đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden để thảo luận về chính sách của Trung Quốc, theo Bộ Ngoại giao Mỹ và các nguồn tin của Reuters. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh nhóm vận động hành lang chất bán dẫn quyền lực nhất - Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) - kêu gọi chính quyền Washington ngừng áp dụng thêm các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với các giám đốc điều hành công ty chip về ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng của ngành này sau chuyến thăm gần đây của ông tới Trung Quốc.
Ngoại trưởng Blinken đã "chia sẻ quan điểm của mình về ngành chất bán dẫn và các vấn đề về chuỗi cung ứng, đặc biệt là sau chuyến thăm Trung Quốc gần đây của ông" và "đã trực tiếp lắng nghe cách các công ty đó nhìn nhận các vấn đề về chuỗi cung ứng và cách họ nhìn nhận hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Lael Brainard và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Jake Sullivan cũng gặp gỡ các "ông lớn" chất bán dẫn như Intel, Qualcomm và Nvidia.
Nội dung thảo luận giữa các CEO chip bán dẫn với các quan chức Mỹ bao gồm cả việc tăng tốc giải ngân tiền hỗ trợ của chính phủ dành cho các công ty bán dẫn theo Đạo luật CHIPS và đảm bảo chính sách của Mỹ không cản trở các công ty chip tiếp cận thị trường Trung Quốc béo bở, một nguồn thạo tin của Reuters cho biết.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đang giám sát chương trình trợ cấp sản xuất chất bán dẫn trị giá 39 tỷ USD theo Đạo luật CHIPS. Đạo luật này cũng tạo ra khoản tín dụng thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy sản xuất chip, ước tính trị giá 24 tỷ USD.
Các công ty chip bán dẫn Mỹ đang nỗ lực bảo vệ lợi nhuận của mình ở thị trường Trung Quốc trong khi chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét áp dụng một đợt hạn chế mới đối với hoạt động xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc chi 180 tỷ USD mua chất bán dẫn, chiếm hơn 1/3 giá trị giao dịch 555,9 tỷ USD của thị trường thế giới và đây là thị trường đơn lẻ lớn nhất, theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ.
Nvidia, Qualcomm và Intel ghi nhận doanh số bán hàng đáng kể ở thị trường Trung Quốc. Trong đó, Qualcomm là công ty duy nhất có giấy phép từ các cơ quan quản lý của Mỹ để bán chip điện thoại di động cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Còn Nvidia đang bán một loại chip AI được tinh chỉnh cho thị trường Trung Quốc. Tương tự, Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tuần trước đã tới Trung Quốc để công bố việc cung cấp chip AI riêng ở thị trường này.
Nguồn tin của Reuters cho biết, chính phủ Mỹ cũng tập trung xem xét khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các chip AI tối tân nhất, đồng thời cho biết Washington sắp thắt chặt các quy định về tốc độ tính toán của các chip đó, nhưng chưa chọn được ngưỡng tốc độ cụ thể.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Các hành động của chúng tôi đã được điều chỉnh cẩn thận để tập trung vào công nghệ có liên quan đến an ninh quốc gia và được thiết kế để đảm bảo rằng các công nghệ của Mỹ và đồng minh không được sử dụng để phá hoại an ninh quốc gia của chúng tôi".
Đầu tháng 7, Trung Quốc đột ngột tuyên bố áp dụng các biện pháp kiểm soát từ ngày 1/8 đối với hoạt động xuất khẩu một số vật liệu như gali và germani. Hai loại kim loại này được sử dụng trong sản xuất chip máy tính tốc độ cao, xe điện (EV) và cáp quang... Liên quan đến động trái này, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo (2003 - 2008) cho rằng các nước nên chuẩn bị tinh thần nhiều hơn nếu họ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc, đồng thời mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nước này là "cú giáng nặng nề đã được cân nhắc kỹ lưỡng" và "mới chỉ là sự khởi đầu".
Trên thế giới, chất bán dẫn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo một báo cáo của McKinsey được công bố vào năm ngoái. Nhu cầu cấp thiết về chất bán dẫn được thấy rõ ở Trung Quốc bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn dựa vào nguồn cung cấp chip nước ngoài ổn định cho cơ sở sản xuất điện tử khổng lồ của mình.