'Đòn trinh sát chiến lược' củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam
Chiến dịch Phước Long là thắng lợi có ý nghĩa rất to lớn, tạo bước ngoặt đi đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia tỉnh Phước Long bị tiêu diệt. Ảnh: TL.
50 năm trước, quân dân miền Nam đã giành thắng lợi quan trọng ở Phước Long. Chiến thắng này đã giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam và có ý nghĩa như một “đòn trinh sát chiến lược”, kiểm nghiệm thực lực của ta và địch (cơ sở để Bộ chính trị Trung ương Đảng, quân ủy Trung ương đánh giá sát, đúng tình hình, qua đó hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975).
Chiến thắng này cho thấy sự lớn mạnh và khả năng chiến thắng của quân Giải phóng. Ta có thể giải phóng hàng loạt huyện đi đến giải phóng hoàn toàn một tỉnh trên chiến trường rừng núi, có đủ khả năng làm thay đổi nhanh chóng thế chiến lược trên chiến trường.
Ở chiều ngược lại, chiến thắng này cho thấy sự suy yếu, bất lực của quân đội Sài Gòn và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ là rất hạn chế. Điều này cũng được phản ánh rõ nét qua những tài liệu lưu trữ của đối phương, được công bố trong cuốn Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn.
Chiến trường kiểm nghiệm
Từ nửa cuối năm 1974, trước hành động ngoan cố, hiếu chiến của quân đội Sài Gòn, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đẩy mạnh tiến công tạo thành một phong trào tiến công, nổi dậy mạnh mẽ khắp miền Nam. Các báo cáo cuối năm 1974 của chính quyền Sài Sòn đều đánh giá hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã được nâng lên tầm chiến dịch.
Đến tháng 12/1974, sau khi Bộ Tư lệnh Miền phát lệnh giải phóng, giành quyền làm chủ về tay nhân dân, các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam tiến lên đập tan hệ thống đồn bốt quân đội Sài Gòn ở cấp cơ sở.
Riêng tại Phước Long, một địa bàn không xa Sài Gòn, được Quân Giải phóng chọn làm chiến trường kiểm nghiệm sự bảo đảm cam kết tái can thiệp vào Việt Nam bằng hoạt động quân sự của Mỹ cũng như phản ứng của chính quyền Thiệu.
Ngày 13/12/1974, Quân Giải phóng mở màn tiến công giải phóng Phước Long bằng việc đánh chiếm và làm chủ các quận lỵ và chi khu Đức Phong. Sau đó, liên tiếp làm chủ căn cứ Bù Na (15/12/1974), quận lỵ chi khu Bố Đức (ngày 22/12/1974), quận lỵ và chi khu Đôn Luân (ngày 26/12/1974), quận lỵ và chi khu Phước Bình và trại Vạn Kiếp (ngày 31/12/1974), căn cứ núi Bà Rá (01/01/1975)… và hoàn toàn giải phóng tỉnh Phước Long với việc làm chủ tòa nhà hành chính của tỉnh vào sáng ngày 6/1/1975.
Trong khi đó, tháng 12/1974, quân Sài Gòn dù đánh giá hoạt động của Quân Giải phóng đã mang sắc thái khác trước đó, nhưng đến thời điểm Quân Giải phóng mở cuộc tiến công Phước Long, chính quyền Sài Gòn vẫn chưa nghĩ đó là cuộc tiến công hoàn toàn một tỉnh.
Do đó, báo cáo số 050/BTTM/2/6/M của Phòng Nhì Bộ tổng tham mưu của quân đội chính quyền Sài Gòn tháng 12/1974 chỉ ghi nhận tin tức trên chiến trường ở mức sôi động: “VC đã đồng loạt mở 9 mặt trận trên 1 diện rộng quy mô tại 2 chiến trường chính là chiến trường miền Đông và chiến trường đồng bằng Sông Cửu Long với lực lượng tham chiến gồm các đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam và các Quân khu 6, Quân khu 8, Quân khu 9, khác hẳn với với chủ trương tấn công từng mục tiêu, từng thời kỳ trong 3 chiến dịch Xuân - Hè - Thu trước đây”.
Nhưng đến ngày 27/12/1974, bức thư kêu cứu của Linh mục Trần Đức Sâm - Chánh xứ tỉnh Phước Long, gửi cho Nguyễn Văn Thiệu, cho biết tình hình Phước Long hết sức náo loạn: “…quân đội, cả sĩ quan đều chỉ nghĩ đến chuyện một chạy hai chết […] Hiện nay, nhìn vào tình hình Việt Cộng, nhìn vào tinh thần lính, nhìn vào sự tăng viện nhỏ giọt của quân đoàn không ai có thể tin là Phước Long có thể cầm cự nổi”.

Sách Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn. Ảnh: MC.
Sự suy yếu, bất lực của chính quyền Sài Gòn
Đến lúc này, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo của Thiệu mới có những báo cáo chi tiết về tình hình Phước Long, song vẫn cố giữ một thái độ bình thản.
Báo cáo ngày 01/01/1975 cho biết 17h15 ngày 31/12/1974, lực lượng Quân Giải phóng đã tràn ngập chi khu Phước Bình, đồng thời gây áp lực mạnh vào tỉnh lỵ Phước Long.
Báo cáo ngày 02/01/1975 cho biết, tại Phước Long, Quân Giải phóng tấn công các khu vực phụ cận tỉnh lỵ, chiếm trại Đoàn Văn Kiều.
Báo cáo ngày 03/01/1975 và Báo cáo ngày 04/01/1975 cho biết Quân Giải phóng tấn công vào tỉnh lỵ Phước Long với sự yểm trợ của xe tăng.
Báo cáo ngày 05/01/1975 cho biết Quân Giải phóng đánh sập trung tâm hành quân tiểu khu và tấn công vào Bộ chỉ huy nhẹ của Liên đoàn 81/BCD và một số đơn vị trinh sát, địa phương quân của chính quyền Sài Gòn tại tỉnh lỵ Phước Long.
Báo cáo ngày 06/01/1975 cho biết Quân Giải phóng tấn công vào cứ điểm cuối cùng của chính quyền Sài Gòn tại tỉnh lỵ Phước Long.
Sang đến ngày 07/01/1975, chính quyền Sài Gòn không còn báo cáo về tình hình Phước Long, cho thấy Phước Long đã hoàn toàn thất thủ.
Trong khi đó, dường như chờ đợi một hành động phản ứng nào đó từ phía Mỹ, nên trong suốt quá trình Quân Giải phóng tấn công và chiếm Phước Long, chính quyền Sài Gòn hầu như không có một hành động phản kích đáng kể nào. Ngày 01/01/1975, Nguyễn Văn Thiệu vẫn bình thản tuyên bố mở “Cây Mùa Xuân” để đón Tết Ất Mão.
Phải đến ngày 03/01/1975, khi Quân Giải phóng làm chủ các căn cứ quân sự quan trọng của chính quyền Sài Gòn và mở trận tiến công vào tỉnh lỵ Phước Long, Hội đồng Nội các của chính quyền Sài Gòn mới họp phiên đặc biệt nhưng cũng chỉ đề ra “kế hoạch phản kháng vụ CS đánh chiếm Phước Long” để đi đến quyết định bày tỏ trước dư luận thế giới và yêu cầu sự viện trợ của các nước đồng minh.
Tuy vậy, đến ngày 07/01/1975, sau khi Phước Long hoàn toàn do Quân Giải phóng làm chủ, chính quyền Sài Gòn vẫn không có kế hoạch hay hành động nào đáp trả. Nguyễn Văn Thiệu chỉ ra lời kêu gọi dân chúng phải bình tĩnh trước thời cuộc và cho rằng: “Việc VC chiếm Phước Long được xem là một việc nhất thời thôi”.
Còn Thủ tướng chính quyền Sài Gòn gửi công điện cho các đô tỉnh, thị trưởng của chính quyền Sài Gòn, chính thức thừa nhận sự thất thủ ở Phước Long và ra chỉ thị thi hành các biện pháp đối phó, nhưng chủ yếu là trấn an và kêu gọi sự trợ giúp từ các đồng minh.
Đến thời điểm này, Phước Long đã trở thành tâm điểm của báo chí phương tây, tuy nhiên ở nửa bên kia bán cầu, Tổng thống Ford vẫn im hơi lặng tiếng, khác hẳn với những tuyên bố cứng rắn trước đây.
Ngày 10/10/1975, không thể im lặng chờ đợi tín hiệu từ Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu chính thức đăng đàn về Phước Long. Trong bài phát biểu lần đầu tiên Thiệu đưa ra lời bảo đảm “Phước Long chưa hẳn đã mất vĩnh viễn” và không quên lý giải thái độ của chính quyền Sài Gòn “sự tịnh tâm ba ngày qua là để chúng ta trui rèn ý chí sắt đá”.
Tuy nhiên, những lời đảm bảo của Thiệu cũng chỉ là những lời tuyên bố, chính quyền Sài Gòn vẫn không có một hành động phản kích nào.
Tóm lại, qua một số tài liệu của chính đối phương, có thể thấy nhận định của Bộ Chính trị là hoàn toàn chính xác. Chiến thắng Phước Long cho thấy sự suy yếu, bất lực của quân đội Sài Gòn và khả năng quân Mỹ quay trở lại miền Nam không còn nữa. Chiến thắng này còn cho thấy khả năng giải phóng miền Nam có thể tiến hành với nhịp độ lớn hơn, nhanh hơn.