Đòn trừng phạt của phương Tây với Nga có thể khiến nền kinh tế thế giới 'tổn hại' ra sao?
Lệnh trừng phạt của phương Tây đe dọa đẩy kinh tế Nga vào khó khăn. Nhưng hành động này cũng gây ra tác động lan tỏa trên toàn cầu. Các nước từ châu Phi tới châu Âu đều cảm nhận được nguy cơ lạm phát leo thang, thiếu hụt lương thực.
Ngoại trưởng Pháp Bruno Le Maire nói rằng Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ đã phát động “chiến tranh kinh tế” nhằm vào Nga khi ông đề cập đến việc phương Tây thống nhất triển khai đòn trừng phạt nhằm phong tỏa Nga khỏi các thị trường tài chính thế giới.
Cái gọi là “chiến tranh kinh tế” đó đã khiến Nga đối diện với khó khăn tài chính, khi đồng ruble mất giá kỉ lục so với đồng USD, làm nhiều người dân Nga đổ xô đi xếp hàng tại các ATM với hy vọng rút được tiền mặt.
Thế nhưng không chỉ Nga ngấm đòn trừng phạt. Một loạt lệnh cấm vận chống Moskva cũng đang khiến nhiều nước từ Ai Cập cho tới Đức bị tổn thương, khi đây là các quốc gia lệ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt và lúa mỳ từ hai thị trường Nga và Ukraine. Dưới đây là đánh giá về tác động của cấm vận chống Nga đối với cuộc sống của người dân các nước.
Giá nhiên liệu tăng
Giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt sau vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ và EU nhằm vào Nga được đưa ra cuối tuần trước, do giới giao dịch lo ngại về đứt gãy nguồn cung từ Nga – nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về nhiên liệu, cũng như từ Ukraine – nước đóng vai trò trung chuyển then chốt đối với dòng khí đốt xuất khẩu của Nga.
Đến thời điểm này, phương Tây vẫn chưa cấm vận trực tiếp ngành năng lượng Nga. Nhưng giới giao dịch toàn cầu lo ngại khả năng Moskva có thể trả đũa bằng việc hạn chế xuất khẩu dầu khí, cũng như kịch bản Mỹ và EU cuối cùng sẽ đi tới quyết định trừng phạt năng lượng, lĩnh vực then chốt với kinh tế Nga. “Nguồn cung năng lượng từ Nga đang đứng trước nguy cơ lớn, có thể là từ việc Nga hạn chế cung ứng để trả đũa, hoặc cũng có khả năng Nga bị loại khỏi thị trường bởi lệnh cấm vận mới”, Louise Dickson, chuyên gia phân tích tại hãng Rystad Energy bình luận.
Bên cạnh đó còn là những lo ngại liên quan đến việc nhiều ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, một động thái có thể khiến việc mua, nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga gặp thách thức trong vấn đề thanh toán. Nhiều ngân hàng lớn tại châu Âu như Societe Generale và Credit Suisse được cho là đã bắt đầu ngừng hỗ trợ mọi hoạt động giao dịch hàng hóa từ Nga.
Điều này khiến châu Âu lo ngại, bởi hơn 33% nguồn cung khí đốt và hơn 25% nguồn cung dầu mỏ của "cựu lục địa" đến từ Nga. Bất kỳ một sự đứt gãy nào về nguồn cung khí đốt cũng khiến người dân châu Âu đối diện với tình cảnh thiếu nhiên liệu để sưởi ấm, hóa đơn tiền điện tăng cao.
Giá lương thực leo thang
Xung đột tại Ukraine cũng làm dấy lên những lo sợ về đứt gãy nguồn cung ngũ cốc, nhất là các mặt hàng lúa mỳ, ngô và dầu hướng dương. Giá lúa mỳ kỳ hạn giao sau trên sàn giao dịch hàng nông sản Chicago (CBOT) trong phiên giao dịch ngày 2/3 đã vọt lên mức 10,23 USD/bushel, cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mỳ, gần 20% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương của toàn thế giới. Hai nước này là nhà cung ứng chủ chốt lúa mỳ cho Trung Đông và châu Âu, với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là hai khách hàng nhập khẩu lớn nhất. Giới chuyên gia lo ngại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ đẩy giá lương thực tại các nước như Libya, Yemen, và Liban tăng, làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực tại các quốc gia này.
Xung đột cũng đang gây gián đoạn xuất khẩu từ các cảng ở Biển Đen, vốn là địa điểm chủ lực để xuất hàng nông sản sang châu Á, châu Phi và châu Âu. Hôm 28/2, Ai Cập đã buộc phải hủy thầu đơn hàng đặt mua lúa mỳ, sau khi chỉ nhận được một vài lời chào thầu và với mức giá rất cao.
Thêm nỗi lo về lạm phát
Với phần lớn người dân trên thế giới, tác động kinh tế từ xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt đi kèm được cảm nhận rõ nét nhất qua lạm phát tăng cao, do giá năng lượng, kim loại và lương thực leo thang. Giá nhôm đã lên mức cao kỉ lục, vượt mức đỉnh từng được thiết lập năm 2008 - thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Đứt gãy cung ứng toàn cầu là nguy cơ chủ chốt. Giá các loại hàng hóa này sẽ đứng ở mức cao trong một thời gian nữa, khiến xu thế lạm phát cao trên toàn cầu kéo dài”, chuyên gia Jason Tuvey thuộc Capital Economics nói.
Khủng hoảng Ukraine đe dọa làm chệch hướng đà phục hồi của kinh tế thế giới từ đại dịch COVID-19, gây thách thức lớn cho giới điều hành chính sách trong bối cảnh nhiều nước dự kiến thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, một mức lạm phát cao kỉ lục được ghi nhận ở nhiều nước như Mỹ và Đức trong 40 năm trở lại đây. Bất chắc về phục hồi kinh tế cuối cùng có thể sẽ buộc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất.