Đơn vị sử dụng lao động chia sẻ tiêu chí tuyển dụng nhân lực ngành Ngôn ngữ Nhật

Theo một số doanh nghiệp, tiếng Nhật giỏi là điều kiện cần nhưng nếu thiếu kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm, ứng viên khó tận dụng tối đa lợi thế ngôn ngữ.

Trong thời đại toàn cầu hóa, ngành Ngôn ngữ Nhật đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều sinh viên nhờ vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Với sự mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhu cầu về nguồn nhân lực thành thạo tiếng Nhật ngày càng tăng.

Điều này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau, giúp người học có thể phát huy thế mạnh ngôn ngữ và kỹ năng của mình trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động.

Doanh nghiệp nêu các tiêu chí ứng viên ngành Ngôn ngữ Nhật cần có

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đỗ Thị Thủy – Trưởng bộ phận quản lý tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hasegawa Việt Nam (thuộc Tập đoàn Hasegawa Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp đặt ra 6 tiêu chí quan trọng trong quá trình tuyển dụng nhân sự.

Một là về kiến thức chuyên ngành. Ứng viên cần có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực chuyên môn liên quan, đảm bảo nắm vững các nguyên tắc, quy trình và kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, khả năng cập nhật kiến thức mới, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn và linh hoạt thích nghi với những thay đổi trong ngành cũng là yếu tố quan trọng giúp ứng viên tạo lợi thế cạnh tranh trong quá trình tuyển dụng.

Hai là về trình độ tiếng Nhật. Đối với các vị trí yêu cầu thường xuyên sử dụng tiếng Nhật, ứng viên cần đạt trình độ tối thiểu bậc N3, trong đó kỹ năng giao tiếp lưu loát là một lợi thế. Đặc biệt, với các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như biên – phiên dịch hoặc quản lý cấp cao, công ty yêu cầu ứng viên phải đạt trình độ N2 trở lên để đảm bảo khả năng xử lý công việc hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế.

Ba là kỹ năng mềm. Ứng viên cần trang bị các kỹ năng quan trọng như báo cáo, liên lạc, thảo luận hiệu quả nhằm đảm bảo quá trình trao đổi thông tin rõ ràng và chính xác. Bên cạnh đó, khả năng làm việc nhóm, phối hợp với đồng nghiệp và tư duy logic trong giải quyết vấn đề cũng đóng vai trò thiết yếu, giúp ứng viên xử lý công việc một cách linh hoạt, chủ động và đạt hiệu suất cao.

Bốn là kỹ năng công nghệ. Ứng viên cần thành thạo các công cụ hỗ trợ công việc, đặc biệt là bộ ứng dụng Microsoft Office như Word, Excel, PowerPoint, cùng các phần mềm chuyên dụng liên quan đến lĩnh vực làm việc. Ngoài ra, khả năng sử dụng các nền tảng quản lý công việc trực tuyến sẽ giúp ứng viên nâng cao hiệu suất, tối ưu quy trình làm việc và thích ứng nhanh với môi trường công nghệ hiện đại.

Năm là tinh thần tự học hỏi và khả năng thích ứng: Công ty đặc biệt coi trọng những ứng viên có tinh thần chủ động trong việc học hỏi, không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc, sẵn sàng đối mặt với thử thách và thay đổi cũng là yếu tố quan trọng, giúp ứng viên phát triển bền vững trong doanh nghiệp.

Sáu là kinh nghiệm làm việc. Công ty ưu tiên những ứng viên đã có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực liên quan, đặc biệt là những người từng làm việc hoặc thực tập tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Việc hiểu rõ văn hóa làm việc, quy trình vận hành và tác phong chuyên nghiệp của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ giúp ứng viên nhanh chóng hòa nhập và đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

 Bà Đỗ Thị Thủy – Trưởng bộ phận quản lý tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hasegawa Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Bà Đỗ Thị Thủy – Trưởng bộ phận quản lý tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hasegawa Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, bà Đỗ Thị Thủy nhận định rằng, các ứng viên tốt nghiệp từ các trường đại học thường sở hữu nền tảng tiếng Nhật khá vững, đây là một lợi thế lớn trong giao tiếp và cũng là điểm mạnh nổi bật. Đồng thời, họ cũng thể hiện khả năng ứng xử linh hoạt, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.

“Tuy nhiên, một điểm hạn chế chung là phần lớn ứng viên còn thiếu kiến thức chuyên ngành cũng như các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Những kỹ năng như báo cáo, liên lạc, thảo luận, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm hay thích nghi trong môi trường chuyên nghiệp vẫn chưa được trang bị đầy đủ.

Do đó, dù có khả năng ngôn ngữ tốt và giao tiếp tự tin trong các tình huống thường nhật, nhiều ứng viên vẫn gặp khó khăn khi xử lý tài liệu chuyên môn, giao tiếp hiệu quả trong môi trường công việc hay ứng dụng tiếng Nhật vào thực tế một cách linh hoạt.

Tiếng Nhật giỏi chỉ là điều kiện cần nhưng nếu thiếu kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm, ứng viên sẽ khó tận dụng tối đa lợi thế ngôn ngữ trong công việc. Chính vì vậy, tại công ty, việc đào tạo bổ sung về quy trình làm việc, kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm luôn được chú trọng, nhằm giúp ứng viên hoàn thiện bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu công việc và phát triển bền vững trong sự nghiệp", bà Đỗ Thị Thủy cho biết.

Còn theo bà Ngô Ngọc Tường Vi - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai cho biết, đơn vị là một doanh nghiệp startup (khởi nghiệp), vì vậy, tiêu chí hàng đầu trong tuyển dụng không chỉ dừng lại ở trình độ chuyên môn mà còn nhấn mạnh tinh thần dấn thân và khả năng học hỏi.

“Tùy theo từng vị trí công việc, công ty sẽ đặt ra những yêu cầu và tiêu chí tuyển dụng phù hợp nhằm đảm bảo ứng viên có thể đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao. Đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Nhật, công ty chủ yếu tuyển dụng vào các vị trí giảng dạy tiếng Nhật và đào tạo kỹ năng đặc định. Những vị trí này không chỉ đòi hỏi nền tảng tiếng Nhật vững chắc mà còn yêu cầu khả năng truyền đạt kiến thức hiệu quả, giúp học viên tiếp thu nhanh chóng và ứng dụng tốt vào thực tế.

Bên cạnh yêu cầu tối thiểu về trình độ tiếng Nhật đạt bậc N3 (trung cấp), công ty luôn đề cao những ứng viên có tinh thần cầu tiến, chủ động trong công việc, không ngại khó, sẵn sàng đón nhận thử thách và có khả năng thích nghi với môi trường mới. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, những ứng viên sở hữu thái độ làm việc tích cực, ham học hỏi và có khả năng tự trau dồi kiến thức sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn”, bà Ngô Ngọc Tường Vi cho hay.

 Bà Ngô Ngọc Tường Vi - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai. (Ảnh: NVCC)

Bà Ngô Ngọc Tường Vi - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai. (Ảnh: NVCC)

Theo Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai, so với trước đây, nguồn nhân lực trong ngành Ngôn ngữ Nhật đang có những thay đổi đáng kể về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng làm việc. Hiện nay, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đạt trình độ N2 (cao cấp), có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Nhật và sở hữu kiến thức ngôn ngữ vững vàng. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, giúp ứng viên có nền tảng tốt hơn khi bước vào thị trường lao động.

Không chỉ cải thiện về chuyên môn, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật ngày nay cũng có sự tiến bộ rõ rệt về kỹ năng mềm và thái độ làm việc. Dù mới ra trường, nhiều bạn đã thể hiện sự chuyên nghiệp, tác phong nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Bên cạnh đó, các kỹ năng bổ trợ như thiết kế, marketing, công nghệ thông tin… cũng ngày càng phổ biến, giúp ứng viên mở rộng cơ hội việc làm và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, tư duy nhạy bén và khả năng bắt kịp xu hướng nhanh chóng cũng là những lợi thế giúp sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật có thể thích ứng tốt với những thay đổi trong môi trường làm việc hiện đại.

Nhìn chung, tiếng Nhật giỏi vẫn là một yếu tố quan trọng nhưng để thành công trong sự nghiệp, ứng viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng khác. Do đó, tại công ty, việc đào tạo bổ sung về quy trình làm việc, kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng mềm luôn được chú trọng, nhằm giúp ứng viên hoàn thiện bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu công việc và phát triển bền vững trong tương lai.

 Một lớp học Nhật ngữ Hikari tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai. (Ảnh: NVCC)

Một lớp học Nhật ngữ Hikari tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai. (Ảnh: NVCC)

Còn theo giám đốc một công ty chuyên cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ chuyển đổi số tại Thành phố Đà Nẵng, đồng thời là cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật cho biết, ngành này không chỉ mang lại nền tảng ngôn ngữ vững chắc mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp đa dạng trong môi trường quốc tế.

“Nhiều người thường nghĩ rằng học Ngôn ngữ Nhật đồng nghĩa với việc chỉ có thể làm công việc biên - phiên dịch hoặc giảng dạy nhưng thực tế hoàn toàn khác. Với nền tảng ngoại ngữ vững chắc, tư duy linh hoạt và khả năng giao tiếp hiệu quả, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xuất phát điểm từ cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, tôi đã có cơ hội tiếp cận với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, học hỏi không chỉ về ngôn ngữ mà còn về văn hóa kinh doanh, tác phong làm việc và tư duy quản lý.

Những kiến thức và kỹ năng này đã giúp tôi có lợi thế khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, mở ra những hướng đi mới mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến.

Nhờ khả năng sử dụng tiếng Nhật, tôi có cơ hội hợp tác với nhiều đối tác quốc tế, tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến và dần dần xây dựng sự nghiệp của riêng mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này cho thấy rằng ngoại ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là chìa khóa để tiếp cận tri thức mới, mở rộng mạng lưới quan hệ và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu”, vị này cho hay.

Trong thời đại hội nhập, cơ hội dành cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật ngày càng rộng mở. Nhật Bản là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển và có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với Việt Nam. Làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng, kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Nhật ngày càng lớn.

Đặc biệt, cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam mà còn vươn xa đến các thị trường quốc tế khác. Sinh viên có thể làm việc trực tiếp tại Nhật Bản thông qua các chương trình thực tập, làm việc dài hạn hoặc ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia có đối tác Nhật Bản.

Dù vậy, chỉ giỏi tiếng Nhật thôi là chưa đủ. Sử dụng thành thạo tiếng Nhật là một nền tảng tốt nhưng thành công hay không phụ thuộc vào cách mỗi người tận dụng nền tảng đó để phát triển bản thân và mở ra cơ hội mới.

Mức thu nhập và cơ hội việc làm không giới hạn

Trong những năm gần đây, ngành Ngôn ngữ Nhật ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ nhờ vào cơ hội việc làm rộng mở và mức thu nhập hấp dẫn. Với sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như xu hướng hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thông thạo tiếng Nhật không ngừng gia tăng. Điều này tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp với mức lương cạnh tranh cho những ai có năng lực và sự chuẩn bị tốt.

Theo Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai, đối với vị trí giảng dạy tiếng Nhật, mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, thường dao động khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đối với những nhân sự có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ và linh hoạt trong công việc, mức lương có thể lên đến khoảng 12-15 triệu đồng/tháng. Mức lương cụ thể sẽ được quyết định dựa trên nhiều yếu tố quan trọng, bao gồm trình độ tiếng Nhật, yêu cầu có chứng chỉ JLPT(Japanese - Language Proficiency Test) và kinh nghiệm giảng dạy hoặc thực tập tại nước ngoài, điều này sẽ là một lợi thế lớn.

Bên cạnh đó, kỹ năng giải quyết tình huống cũng được đánh giá thông qua bài kiểm tra nội bộ, giúp xác định khả năng ứng viên xử lý các tình huống trong công việc một cách linh hoạt và hiệu quả.

 Ứng viên nhận chứng chỉ tiếng Nhật do Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Rakuraku (trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai) trao. (Ảnh: NVCC)

Ứng viên nhận chứng chỉ tiếng Nhật do Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực quốc tế Rakuraku (trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Shinseidai) trao. (Ảnh: NVCC)

Còn theo bà Đỗ Thị Thủy, hiện nay tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hasegawa Việt Nam, mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Nhật thường dao động từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng đối với người mới ra trường và có thể tăng lên 10 đến 15 triệu đồng/tháng khi có từ 1-3 năm kinh nghiệm.

Tuy nhiên, mức thu nhập thực tế có thể cao hơn đáng kể, tùy thuộc vào vị trí công việc, trình độ tiếng Nhật, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm và khả năng sử dụng công nghệ, cũng như kinh nghiệm làm việc thực tế. Những ứng viên sở hữu nền tảng ngoại ngữ vững chắc, kết hợp với chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn, thường có cơ hội tiếp cận các vị trí cao hơn với mức lương hấp dẫn.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngày càng tăng, những cá nhân nào chủ động trau dồi kỹ năng, mở rộng kiến thức đa ngành và tích lũy kinh nghiệm thực tế sẽ có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ.

Ngành Ngôn ngữ Nhật không chỉ giới hạn trong các công việc biên – phiên dịch hay giảng dạy, mà còn mở ra nhiều hướng đi mới trong các lĩnh vực như công nghệ, thương mại, tài chính và quản trị. Những ứng viên biết tận dụng lợi thế ngoại ngữ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp không chỉ có tiềm năng phát triển trong nước mà còn có thể vươn ra thị trường quốc tế với mức thu nhập đáng mơ ước.

An Vy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/don-vi-su-dung-lao-dong-chia-se-tieu-chi-tuyen-dung-nhan-luc-nganh-ngon-ngu-nhat-post248921.gd