Donald Trump và thương chiến Mỹ - Trung 2.0: Thế giới nay đã khác

Ông Donald Trump và chính sách thương mại của vị tân tổng thống Mỹ này đang tâm điểm trong các phân tích của giới báo chí trên thế giới. Điều đáng chú ý là, rất nhiều bình luận có chung nhận định rằng, với thương chiến Mỹ - Trung 2.0, thế giới nay đã khác.

Ông Donald Trump và các chính sách chủ chốt

Các chính sách chủ chốt dưới thời ông Donald Trump có thể được nhìn nhận ở các góc nhìn tài khóa, thương mại, nhập cư và chính sách tiền tệ.

Về tài khóa, cắt giảm thuế trong nước là mục tiêu ưu tiên và là điểm mà thị trường tài chính Mỹ quan tâm hàng đầu, không kém chính sách thương mại.

Theo dự đoán của đa số nhà phân tích, Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm (TCJA) sẽ được gia hạn và các biện pháp cắt giảm thuế bổ sung sẽ được ban hành (như cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống 15%), có thể mở rộng một số chính sách hoãn thuế (qua các chương trình “tín dụng” thuế). Nhưng do sức ép ngân sách và sự bất định trong việc nâng trần nợ công, nhiều hứa hẹn khác như miễn giảm liên quan đến thuế tài sản và một số loại thuế liên quan thu nhập có thể chưa được thực hiện.

Với ông Trump, nghị trình liên quan chính sách thuế sẽ là trọng tâm ưu tiên trong năm 2025. Đối với người dân Mỹ, đó mới là thứ quan trọng hàng đầu và với thị trường tài chính, đó cũng là lý do nhiều người lạc quan với cổ phiếu các công ty của Mỹ.

Về thương mại, chiến tranh thương mại gần như chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng các chính sách về thuế quan nhiều khả năng sẽ không được cụ thể hóa cho đến nửa cuối năm 2025. Theo dự đoán của các ngân hàng đầu tư lớn như Deutsche Bank và JP Morgan, các thỏa thuận thuế quan và thương mại sẽ diễn ra trong nửa đầu năm và khởi đầu, các mức thuế quan sẽ không cao như dự đoán và có thể tăng dần. Và các đối tác thương mại của Mỹ sẽ trả đũa, chứ không ngồi yên chịu trận.

Chính sách nhập cư là một ẩn số lớn. Trong khi một số nhà phân tích cho rằng, kiểm soát biên giới được tăng cường ngay từ đầu năm 2025, nhưng việc trục xuất trên diện rộng sẽ không diễn ra, thì lại có ý kiến cho rằng, ông Trump sẽ chọn gây sốc với chính sách về nhập cư ở mức cao nhất có thể.

Ảnh hưởng của chính sách nhập cư với kinh tế Mỹ không rõ ràng, nhưng một cú sốc lớn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề về nguồn cung lao động cũng như lạm phát ở nước này. Các nhóm lao động nhập cư mà ông Trump nhắm tới là nguồn cung lao động cho nhiều ngành kinh doanh ở Mỹ. Cũng vì lẽ đó, một số nhà phân tích cho rằng, rất khó để trục xuất trên diện rộng, mà chỉ ngăn chặn nguồn nhập cư mới và siết chặt visa.

Chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ vẫn giữ được sự độc lập, dù bị thách thức trong nhiệm kỳ tới của ông Donald Trump. Dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell sẽ hết nhiệm kỳ và bị thay thế, nhưng các ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Fed sẽ cố gắng bảo vệ sự độc lập của Fed.

Tất nhiên, vẫn có khả năng xảy ra tai nạn. Trong các kịch bản xấu được đưa ra, có một kịch bản là, nếu thâm hụt ngân sách lớn kết hợp với những thách thức đối với sự độc lập của Fed thì sẽ dẫn đến sự lo sợ của giới đầu tư, làm gia tăng phần bù rủi ro trên thị trường tài chính Mỹ và gây ra sự điều chỉnh trong chiến lược của quỹ đầu tư, tháo chạy vào tài sản an toàn, thay vì hưng phấn tập trung vào tài sản có rủi ro như cổ phiếu công nghệ trong hiện tại.

Nhưng đó chỉ là một kịch bản. Ông Donald Trump sẽ không dễ thách thức vai trò độc lập của Fed như những gì ông ta nói. Nó cũng phức tạp như chuyện đánh thuế hàng Trung Quốc, Mexico và Canada, bởi vì “ván cờ” không phải chỉ có mỗi mình ông chơi.

Những điểm nóng trong quan hệ thương mại và tác động lên dòng vốn đầu tư

Đánh thuế và đạt một thỏa thuận thương mại mới có lợi với Trung Quốc là một trong những ưu tiên của chính quyền ông Donald Trump và thu hút mối quan tâm của giới đầu tư trên toàn cầu. So với thời Trump 1.0, thì triển vọng kinh tế và tình hình thương mại toàn cầu đã khác.

Về thương mại, chiến tranh thương mại gần như chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng các chính sách về thuế quan nhiều khả năng sẽ không được cụ thể hóa cho đến nửa cuối năm 2025.

Nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump và đại diện thương mại mới của Mỹ chắc chắn sẽ tìm cách tạo ra một thỏa thuận thứ hai chặt chẽ hơn thỏa thuận đầu tiên để tránh những thủ thuật lách quy định của Trung Quốc. Tác động của Trump 2.0 lên dòng thương mại và đầu tư ở Trung Quốc sẽ được cảm nhận không chỉ thông qua khả năng đánh thuế cao lên hàng Trung Quốc (theo một trật tự nhất định, chứ không một lần vọt lên 60% cho tất cả mặt hàng như một số người nói), mà còn thông qua tác động lan tỏa từ một cuộc chiến thương mại - kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Từ công nghệ cho đến y tế, xe hơi, tài nguyên, thậm chí các ngành tài chính như bảo hiểm, ngân hàng đầu tư… đều sẽ cảm nhận được.

Tác động dự báo ban đầu của JP Morgan là đồng nội tệ của Trung Quốc có thể còn mất giá 10-15% vì thương chiến, trong khi Trung Quốc sẽ phải chấp nhận thâm hụt ngân sách lớn hơn để hỗ trợ thị trường nội địa, tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của các quyết định thương mại từ phía Mỹ. Lời kêu gọi tự chủ và tự cường kinh tế trong các hội nghị cấp cao cuối năm phản ánh phía Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kinh tế diện rộng với Mỹ và tìm cách bớt phụ thuộc vào nước này.

Theo dự đoán, Trung Quốc sẽ giảm dần thương mại với Mỹ và đồng minh, tăng cường mua bán với các nước đang phát triển. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chấp nhận nhân dân tệ hạ giá thêm nữa và chấp nhận thâm hụt ngân sách để kích thích thị trường trong nước có thể là những lựa chọn của Trung Quốc để đối ứng với chính sách của ông Trump trong thời gian đầu. Sau đó, họ sẽ chờ cơ hội thích hợp để đáp trả. Có một điều cần lưu ý, tác động của chính sách từ thời ông Trump (thuế quan của ông Trump và Đạo luật CHIPS của ông Biden) khiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không còn ở đỉnh cao, nhưng vẫn giữ vị trí trong tốp đối tác thương mại dẫn đầu của 2 nước - 2 cường quốc hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, sự không yên ả trong mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng đến dòng thương mại và đầu tư toàn cầu.

Trong năm 2025, nhiều người sẽ sai lầm nếu xem nhẹ cách Donald Trump ứng xử với Canada và Mexico. Hiệp định thương mại Mỹ-Canada-Mexico (USCMA) sẽ gia hạn vào năm 2026 và tác động trong 2 năm qua của nó rõ ràng là theo hướng rất có lợi cho Canada và Mexico cả về thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cả chính quyền Biden và sắp tới là chính quyền ông Donald Trump tất nhiên sẽ nhìn thấy điều đó quá rõ khi thương mại của hai nước này với Mỹ cao hơn 40% so với thương mại của Mỹ với Trung Quốc (theo một ước tính của viện

Brookings vào tháng 7/2024). Ông Donald Trump sẽ muốn tiếp tục thỏa thuận này, nhưng với những điều chỉnh có lợi hơn cho Mỹ. Vào những ngày cuối năm 2024, ông Donald Trump liên tục nói về Canada như là bang 51 của Mỹ, hoặc đề cập đến vấn đề biên giới với Mexico, đồng thời tuyên bố sẽ áp thuế đến 25% với hàng hóa từ Mexico và Canada.

Nhiều khả năng, đây chỉ là một phần trong chiến thuật đàm phán của ông Donald Trump: đưa ra các mối đe dọa để tìm cách đạt được một thỏa thuận mới tốt hơn khi ký kết USCMA vào năm 2026. Điều này cũng đồng nghĩa, các biện pháp thuế quan đe dọa áp dụng với Mexico và Canada sẽ không được áp dụng.

Ông Bill Reinsch, cố vấn kinh tế cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tin rằng, thuế quan đối với Canada và Mexico vẫn sẽ chỉ dừng ở ngưỡng đe dọa và rất có thể, hợp tác biên giới và di cư sẽ là một phần trong thỏa thuận USMCA sau khi được đàm phán lại trong năm 2026. Điều ông Donald Trump muốn đạt được là một tổng thể lợi ích trong kiểm soát ma túy, nhập cư bất hợp pháp, thỏa thuận môi trường và công nghệ với Mexico và Canada, chứ không chỉ là vấn đề thương mại.

“Chiến trường” chính còn lại của ông Donald Trump trong năm 2025 sẽ là EU. Cuộc đàm phán ở đây sẽ được quyết định phần lới bởi mối quan hệ ba bên Mỹ - EU - Trung Quốc và bao hàm một diện rộng hơn về công nghệ - môi trường - thương mại. Giữa Mỹ và EU còn là chuyện quốc phòng, chứ không chỉ vấn đề thuế quan. Trong những ngày cuối năm 2024, Trung Quốc ra sức chèo kéo EU với những sáng kiến chung nhiều tỷ USD về vấn đề hạ tầng xanh và các gói tài trợ chung về công nghệ liên quan đến biến đổi khí hậu. Đó cũng là cách họ chuẩn bị cho một cuộc cờ trong năm mới với ông Donald Trump. Trong cuộc chơi này, Donald Trump không phải là người chơi duy nhất.

Lời kết

Những phân tích trên chỉ ra rằng, với ông Donald Trump, nghị trình bận rộn của ông trong năm mới không chỉ là về thuế quan và thương mại. Trên hết, nghị trình của ông phải tập trung vào nội bộ nước Mỹ với các vấn đề nội địa về giảm thuế, nhập cư, trần nợ công và các vấn đề y tế, xã hội.

Về phía đối ngoại, thuế quan sẽ được sử dụng như một chiêu bài để ông đàm phán lại những thỏa thuận kinh tế, thương mại, nhập cư với Canada, Mexico, Trung Quốc và EU, nhưng đồng thời cũng sẽ khiến hàng hóa vào Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.

Cuối cùng, lạm phát ở Mỹ có thể tăng, gây áp lực lạm phát toàn cầu. Như một bình luận vào cuối tháng 11/2024 trên tờ The Guardian (Anh), rồi ai cũng phải trả tiền đắt đỏ hơn để mua hàng như một kết quả tất yếu của chính sách thương mại Trump 2.0. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương và thị trường tài chính.

Với một nghị trình bận rộn như vậy, ông Donald Trump sẽ không có nhiều thời gian chú ý tới ASEAN và Ấn Độ. Điều này có thể tạo điều kiện cho nhóm nền kinh tế này quảng bá mình là một “thiên đường tránh bão”. Malaysia và Ấn Độ đang nhanh chân làm như vậy ở những diễn đàn đầu tư cuối năm. Việt Nam, dù dễ bị nhận diện do mức xuất siêu lớn sang Mỹ, song vẫn có thể tận dụng nhiều lợi ích trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta cần có những cách tiếp cận chủ động hơn nữa trong cuộc cờ này.

Cuộc cờ thương chiến toàn cầu và Trump 2.0 đã khác với thời Trump 1.0 và nước cờ của Việt Nam phải thích ứng.

Hồ Quốc Tuấn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/donald-trump-va-thuong-chien-my---trung-20-the-gioi-nay-da-khac-d237323.html