Đông Anh hoàn thiện tiêu chí lên quận, giá bất động sản biến động ra sao?
Huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đang hoàn thiện nốt các tiêu chí để trở thành quận trong năm 2023. Hiện, giá bất động sản tại Đông Anh cũng đang được nhiều người quan tâm.
Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa 5 huyện thành quận, trong đó có huyện Đông Anh. Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, huyện Đông Anh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để lên quận trong năm 2023, chậm nhất là năm 2024.
Căn cứ theo Nghị quyết số 26/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị, có một số tiêu chí mới bổ sung, trên cơ sở đó năm 2023 được xem là năm bản lề để huyện Đông Anh hoàn thiện nốt các tiêu chí này, trong đó công tác quy hoạch, xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Thời gian qua, Huyện ủy đã xây dựng ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả 2 Chỉ thị, gồm: Chỉ thị số 16-CT/HU và Chỉ thị số 17-CT/HU về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo đảm trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Công tác lập quy hoạch được quan tâm chỉ đạo, trong đó tập trung đẩy nhanh hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 các khu vực dân cư trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2022 - 2023 làm cơ sở để thực hiện đầu tư, tạo nguồn lực và quản lý theo quy hoạch được duyệt, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch.
Cụ thể, huyện đã tiếp nhận công bố và bàn giao 5 đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000; Tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 4 xã (Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm) tỷ lệ 1/5000; Hoàn thành phê duyệt, tổ chức phối hợp công bố, bàn giao 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị còn lại; Hoàn thành phê duyệt 3 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Đối với công tác lập, thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tính đến hết 2022 huyện đã hoàn thành phê duyệt 28 đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư, nâng tổng số đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có được phê duyệt trên toàn huyện là 59 đồ án, gồm 52 thôn làng, tổ dân phố, nâng tổng số đồ án được phê duyệt là 59/82 đồ án được giao nhiệm vụ.
Công tác giải phóng mặt bằng cũng được huyện xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Hầu hết công tác giải phóng mặt bằng các dự án đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có những công trình dự án của thành phố và dự án trọng điểm của huyện.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng đô thị
Đông Anh là một trong những địa phương đi đầu thực hiện lộ trình xây dựng huyện thành quận. Đến nay, huyện đã đạt 26/27 tiêu chí huyện thành quận, 13/15 tiêu chí xã thành phường theo bộ tiêu chí chung của thành phố.
Những năm gần đây, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế bền vững, toàn diện. Đặc biệt, Đề án đầu tư, xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025 được TP Hà Nội phê duyệt tạo thời cơ, vận hội mang tính lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đông Anh để trở thành đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội, với hàng loạt các dự án lớn.
Cụ thể, dự án thành phố thông minh, Công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia... Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng Đông Anh trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc Thủ đô.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; Tăng cường xây dựng hệ thống cơ sở Đảng, chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo quy hoạch, kết nối đồng bộ với hạ tầng khu đô thị mới, hạ tầng khung.
Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ 3 khâu đột phá: Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp mô hình chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, hiện đại; khai thác nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại.
Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, bên cạnh việc chú trọng công tác đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian tới huyện sẽ ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch và doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng chất xám cao; đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp hiện có; thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp mới. Huyện cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng sớm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện, khai thác Khu công nghiệp Đông Anh với quy mô 600 ha theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Giá bất động sản tại Đông Anh biến động ra sao?
Huyện Đông Anh sẽ đấu giá 92 lô đất vào tháng 3/2023. Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia mới đây đã có thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đối với 92 thửa đất trên địa bàn huyện Đông Anh.
Cụ thể, 75 thửa đất tại khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà. Có ba đợt đấu giá, mỗi đợt gồm 25 thửa đất, giá khởi điểm dao động trong khoảng 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2. Bước giá 500.000 đồng/m2. Thời gian dự kiến tổ chức ba đợt đấu giá lần lượt vào ngày 11/3, 18/3 và 25/3.
Cùng đó là 17 thửa đất tại khu đất X9 thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê. Các thửa đất có diện tích từ 73,99 - 128,6 m2/thửa với mức giá khởi điểm từ 31,2 - 34,1 triệu đồng/m2. Mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng lâu dài. Thời gian dự kiến tổ chức buổi đấu giá vào sáng 4/3.
Hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, theo phương thức trả giá lên. Địa điểm đấu giá tại Hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh.
Đông Anh là một trong những huyện vùng ven Hà Nội thu ngân sách từ đấu giá cao nhất trong năm vừa qua. Theo UBND huyện Đông Anh (Hà Nội), tính đến giữa tháng 11/2022, địa phương này đã tổ chức thành công 21 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 36.401 m2 (tương ứng 324 thửa), thu về cho ngân sách nhà nước của huyện gần 1.800 tỷ đồng. Đông Anh là địa phương dẫn đầu thành phố Hà Nội về số thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý IV/2022, bất động sản vùng ven Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng cắt lỗ, đặc biệt là phân khúc đất nền. Trong đó, giá đất nền thứ cấp tại các huyện vùng ven đã giảm 15% - 35% so với đầu năm 2022, đất nền dự án cũng giảm từ 8% - 15%.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn với thị trường đất nền Đông Anh – một thị trường nặng tính đầu cơ ghi nhận xu hướng giảm giá vẫn đang tiếp tục. Cụ thể, đất ở Nguyên Khê chỉ cách trục Nhật Tân – Nội Bài hơn 100 m, từ mức giá hơn 50 triệu đồng/m2 của tháng 11/2022 (là mức giá đã giảm so với nhiều tháng trước đó) thì sau Tết Nguyên đán, có chủ đất cần tiền chỉ chào bán khoảng 40 triệu đồng/m2.
Đất trục chính kinh doanh Hải Bối cũng từ mức 60-65 triệu đồng/m2 thời điểm tháng 11/2022 (mức giá đã giảm) thì nay một số mảnh được chào giá 50-55 triệu đồng/m2. Vị trí mặt đường kinh doanh ở Võng La cũng giảm khoảng 3-7 giá so với cuối năm ngoái khi giá hiện tại dao động từ 37-42 triệu đồng/m2. Đất kinh doanh Vĩnh Ngọc từ mức giá 130-150 triệu đồng/m2, nay có một số mảnh được rao bán từ 110-115 triệu đồng/m2. Các mảnh đất nằm sâu trong làng ở Xuân Nộn, Vân Nội, Hải Bối, Cổ Loa, Uy Nỗ, Mai Lâm, giá cũng giảm từ 5 đến 10 triệu đồng/m2.