Đông Anh nâng giá trị sản phẩm OCOP
Là huyện ven đô, Đông Anh có tiềm năng lớn phát triển các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Đây là tiền đề để địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2020 của TP Hà Nội.
Công bằng, khách quan trong đánh giá
Phát triển nông nghiệp, bảo tồn các làng nghề truyền thống được huyện Đông Anh hết sức chú trọng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020 theo Quyết định số 3629/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.
Ngay từ khi triển khai Chương trình, huyện Đông Anh đã tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn. Cuối năm 2019, huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên được TP Hà Nội lựa chọn làm điểm công tác đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, việc đánh giá các sản phẩm được địa phương thực hiện trên cơ sở bảo đảm tính công bằng, khách quan, chính xác theo đúng các tiêu chí quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện đã có 20 sản phẩm của 13 chủ thể được cấp sao. Trong đó, có 2 sản phẩm được cấp 4 sao (tượng gỗ Long Mã, đậu phụ sạch Dafusa) và 18 sản phẩm đạt 3 sao, chủ yếu là rau củ, thực phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ…
Đại diện một số chủ thể cho biết, sau khi được đánh giá, phân hạng, sản phẩm được cấp sao và gắn nhãn OCOP. Nhờ đó, việc quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cũng trở nên thuận lợi hơn.
Phấn đấu có thêm 40 sản phẩm OCOP
Với 13 chủ thể có sản phẩm được cấp sao, huyện Đông Anh đang là địa phương dẫn đầu toàn TP về số lượng chủ thể tham gia, được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Để tạo sức lan tỏa cho Chương trình OCOP, huyện Đông Anh đã xây dựng Đề án “Phát triển nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 – 2025”, theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến hết tháng 4/2020, toàn huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Từ kết quả khảo sát, UBND huyện Đông Anh đã lựa chọn, tập trung phát triển 40 sản phẩm, phấn đấu đủ điều kiện để tham gia đánh giá, phân hạng, cấp sao OCOP trong năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, trong nội dung Đề án, địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho các chủ thể. Trong đó, chú trọng tư vấn, tiếp cận nguồn vốn vay cho các chủ thể cải thiện quy trình sản xuất cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Đồng thời, tăng cường phát triển các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP...
Đại diện UBND huyện Đông Anh cũng cho biết thêm, mục tiêu địa phương hướng tới không chỉ là có thêm nhiều hơn những sản phẩm đủ điều kiện để được cấp sao, mà quan trọng hơn là nâng cao giá trị cho nông sản, hàng hóa; qua đó, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt của Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện ven đô.
"Mỗi sản phẩm của chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện muốn được cấp sao đều phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe về thực hành sản xuất, tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn, cũng như quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt... Đạt được sao OCOP, sản phẩm có thể được xem là đã đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường... " - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dong-anh-nang-gia-tri-san-pham-ocop-383328.html