Đồng bảng Anh gần ở mức cao nhất hơn 2 năm sau thỏa thuận hậu Brexit

Ảnh minh họa Nguồn: AFP/TTXVN

Đồng bảng Anh được giao dịch gần mức cao nhất hai năm trong phiên sáng 25/12 sau khi Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit (chỉ việc Anh rời EU), giữa lúc tâm lý chung của các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng bởi đề xuất gói cứu trợ mới của Mỹ vẫn gặp trở ngại.

Đồng bảng Anh đứng ở mức 1 bảng đổi 1,3549 USD sau khi không thể phá ngưỡng cao nhất hai năm rưỡi qua là 1 bảng đổi 1,3625 USD đạt được trong tuần trước khi Anh ký thỏa thuận thương mại Brexit với EU.

Còn so với đồng euro, đồng bảng giao dịch ở mức 89,80 xu đổi 1 euro, sau khi đạt mức cao nhất trong 3 tuần qua là 89,54 xu đổi 1 euro trong phiên giao dịch trước đó (ngày 24/12).

Mặc dù thỏa thuận thương mại Brexit sẽ duy trì quyền tiếp cận không hạn ngạch và miễn thuế quan với thị trường chung châu Âu cũng như tránh tổn hại từ việc Brexit không thỏa thuận, song nó không bao gồm lĩnh vực tài chính. Brussels vẫn chưa đưa ra quyết định về việc cho phép Anh tiếp cận thị trường tài chính của Khối.

Trưởng bộ phận chiến lược của Sumitomo Mitsui Bank, Daisuke Uno nhận định rằng các nhà đầu tư sẽ bắt đầu nhận thấy tác động kinh tế của việc Anh rời khỏi EU sau khi đạt được thỏa thuận thương mại Brexit. Ông cho rằng Brexit sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Anh với việc đồng bảng Anh sẽ trượt giá sau khi có những đánh giá về thỏa thuận.

Tuy nhiên, ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh trong ngắn hạn còn đến từ việc tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 ở Anh tăng cao thời gian qua bởi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Đồng USD chỉ biến động trong phạm vi hẹp bởi bế tắc đối với gói kích thích kinh tế mới trong dự luật ngân sách trị giá 2.300 tỉ USD của Mỹ vẫn tiếp diễn và làm tăng triển vọng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần vì hết ngân sách.

Thỏa thuận thương mại giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) đã giúp xóa bỏ nỗi lo trong bốn năm rưỡi qua về kịch bản Brexit không có thỏa thuận, nhưng thị trường tài chính Anh sẽ mất nhiều năm để làm mờ “vết sẹo” do Brexit.

Hiện nay, EU vẫn chưa quyết định về việc có cho phép Anh tiếp cận thị trường tài chính của khối này hay không, dù London và Brussels đã đồng ý một thỏa thuận thương mại.

Một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu cho biết thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt ngày 24/12 đặt ra các quy tắc đối với một số ngành như nông và ngư nghiệp, song không bao gồm ngành tài chính.

Một số người đã hy vọng rằng thỏa thuận thương mại mới sẽ mở đường cho ngành tài chính Anh tiếp cận thị trường EU, song EU cho biết không vội vàng trong vấn đề này. Dự kiến, hai bên sẽ thống nhất biên bản ghi nhớ về các quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính vào tháng 3/2021.

Nguy cơ "Brexit không thỏa thuận" đã đè nặng lên triển vọng tăng trưởng và đầu tư của Anh kể từ tháng 6/2016, khi người dân Anh bỏ phiếu cắt đứt quan hệ với “khách hàng” lớn nhất của nước này trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và trao đổi thương mại song phương vào khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm.

Vốn đã suy yếu do những bất ổn liên quan tới Brexit, kinh tế Anh tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với việc chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 300 năm trong quý II/2020.

Đà phục hồi kinh tế còn gặp trở ngại do đầu tư trực tiếp nước ngoài yếu. Dữ liệu chính thức cho thấy giá trị ròng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Anh đã giảm xuống 49,3 tỉ bảng trong năm 2018, bằng 1/4 của năm 2016.

Công ty kiểm toán EY ước tính trong năm nay các dự án FDI sẽ giảm 30-45% so với năm 2019, chủ yếu là do tác động của đại dịch COVID-19.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250429/dong-bang-anh-gan-o-muc-cao-nhat-hon-2-nam-sau-thoa-thuan-hau-brexit.html