Đồng bằng sông Cửu Long 'biến dạng' vì nhu cầu cát vô tận của con người
Cát là một trong những tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên Trái Đất. Khai thác cát quá mức và bừa bãi khiến Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái.
Khai thác cát đáng báo động
Cát bị khai thác quá mức dẫn tới các nhánh sông bị xói mòn, mỗi năm hai bên bờ sông mất khoảng 500 ha, làm Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi hình dạng.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo duy trì ổn định hình thái sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện, ngày 3/3.
Khai thác cát đáng báo động tại sông Mekong. (Ảnh minh họa)
Theo ban tổ chức, cát sông chủ yếu được khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long, phần cuối của sông Mekong. Hiện có hơn 80 công ty được cấp phép khai thác 28 triệu tấn cát sông mỗi năm. Song khối lượng báo cáo và khai thác thực tế rất khó để kiểm soát.
Tại miền Tây, hàng năm lượng trầm tích (cát, bùn, sét) bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại do các nhà máy thủy điện được xây dựng trên hệ thống sông Mekong. Con số này được dự đoán tăng trong các năm tới.
Ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chỉnh trị sông và phòng chống thiên tai (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), cho biết miền Tây hiện có hơn 620 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610 km. Trong đó, gần 150 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127 km; 137 điểm nguy hiểm, dài 193 km.
"Nguyên nhân chính gây nên sạt lở sông do dòng chảy đồng bằng, địa chất ven biển mềm yếu, hồ chứa thượng lưu, khai thác cát, xây dựng hạ tầng ven sông và ảnh hưởng giao thông thủy", ông Chương nói. Ở nhiều địa phương, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra do nhu cầu về xây dựng, san lấp rất lớn.
Mất nhiều hơn được
Việc khai thác cát quá mức tác động lớn đến cuộc sống, sản xuất của hàng triệu người dân miền Tây; làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông; gia tăng rủi ro xâm nhập mặn, triều cường, kéo theo mực nước biển dâng cao. Những áp lực môi trường này có thể phá hủy khả năng chống chịu, đe dọa nền nông nghiệp, kinh tế và đa dạng sinh học của Đồng bằng sông Cửu Long.
Khai thác cát quá mức không chỉ dẫn đến tình trạng mất cân bằng phù sa đáy, khiến tình trạng sạt lở diễn ra phổ biến mà còn khiến tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia đề xuất thực hiện những nghiên cứu về ngân hàng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng...
Đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn 3,9 triệu ha, gồm 13 tỉnh thành với khoảng 18 20 triệu dân. Đây là vùng kinh tế quan trọng, góp hơn 17 % GDP, 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây cả nước.
Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện. (Ảnh: Internet)
Chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện cho biết, hệ quả của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra "hàm ếch" rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông.
Trong tương lai, khi có 11 đập ở vùng hạ lưu sông Me Kong gồm 9 đập ở Lào và 2 ở Campuchia, các nghiên cứu đều khẳng định lượng cát về đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm cực kỳ nghiêm trọng. Lúc này chỉ còn lượng cát có từ trong quá khứ và dần chúng cũng sẽ hết.
"Cát là một phần lãnh thổ của quốc gia, mất cát tức là lãnh thổ quốc gia đang thu hẹp dần", ông Thiện cảnh báo và cho rằng Việt Nam nên dừng khai thác cát bán.
Toàn bộ hệ sinh thái của sông Mekong đang bị đe dọa, mà nguyên nhân vẫn là do nhu cầu vô độ của con người đối với cát. Với ước tính có tới 50 tỉ tấn cát được khai thác trên toàn cầu mỗi năm, đây là ngành khai thác tài nguyên lớn nhất trên hành tinh. Với sông Mekong, việc khai thác cát diễn ra nhiều ở lòng sông trên đất Campuchia và Việt Nam. Cát là nguyên liệu thiết yếu cho rất nhiều ngành công nghiệp như mỹ phẩm, phân bón và thép và nhất là ngành sản xuất xi măng. "Việc khai thác đang diễn ra với tốc độ ồ ạt, và chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi nhanh chóng diện mạo hành tinh của chúng ta," Giáo sư Stephen Darby, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các dòng sông, tại Đại học Southampton (Anh) cho hay. Các nghiên cứu của Giáo sư Stephen về hạ lưu sông Mekong cho thấy, trên tổng chiều dài hàng trăm cây số, lòng sông đã bị hạ thấp vài mét chỉ trong vài năm. Tất cả đều có nguyên nhân từ việc khai thác cát quá mức tại Đồng bằng sông Cửu Long.