Đồng bằng sông Cửu Long lại bước vào đợt xâm nhập mặn

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến 25/3, xâm nhập mặn trên Đồng bằng sông Cửu Long có tăng nhẹ theo kỳ triều cường cuối tháng 2 Âm lịch.

Mực nước xuống thấp, gây khó khăn cho việc bơm tát chống hạn tại Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Mực nước xuống thấp, gây khó khăn cho việc bơm tát chống hạn tại Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Nhưng so với đợt xâm nhập mặn ngày 7 - 15/3, chiều sâu xâm nhập với ranh 4g/l trên các cửa sông Cửu Long thấp hơn khoảng 3-5 km, sông Vàm Cỏ cao hơn 10-15 km, sông Cái Lớn cao hơn 3-5 km.

Phạm vi cách biển từ 35-45 km trở vào ở cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, chân triều, thuận lợi cho việc lấy nước. Tuy vậy, trên sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại mặn vẫn còn khá cao. Khả năng lấy được nước ngọt tại các cửa sông: Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) từ 85-95 km trở lên, Cổ Chiên từ 35-40 km, Hậu từ 40-45 km, Cái Lớn từ 45-50 km.
Riêng khu vực sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại (thuộc tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang), mặn nền vẫn còn duy trì ở mức cao, khó có khả năng xuất hiện nước ngọt, kể cả vào lúc chân triều.
Khu vực Nam Trung bộ tiếp tục bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện có khoảng 2.034 ha diện tích cây trồng khu vực này bị ảnh hưởng do tình trạng trên. Điển hình tỉnh Quảng Nam có 500 ha lúa bị thiếu nước một số thời điểm do phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng phát điện của thủy điện thượng nguồn. Tỉnh Phú Yên có 684 ha lúa đang được hỗ trợ bơm tưới.
Tỉnh Khánh Hòa có 300 ha đang phải sử dụng các giải pháp bơm tát chống hạn. Tỉnh Bình Thuận có 550 ha lúa vùng sản xuất tự phát ngoài kế hoạch sản xuất của tỉnh Bình Thuận, nhân dân khai thác nước từ nguồn nước cấp cho cây thanh long để tưới lúa dẫn đến bị thiếu nước…
Ứng phó với tình trạng trên, vùng Nam Trung Bộ đã có tổng diện tích dừng, chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 là 26.650 ha. Riêng tỉnh Bình Thuận đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất 15.000 ha cho các diện tích sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh và một số công trình thủy lợi khu vực phía Bắc. Tỉnh Ninh Thuận phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho 7.500 ha trong các công trình thủy lợi vừa và nhỏ có dung tích trữ đạt thấp…
Khu vực Tây Nguyên, hiện cũng có gần 5.900 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm: Kon Tum 168 ha, Gia Lai 333 ha, Đắk Lắk và Đắk Nông 3.912 ha, Lâm Đồng 1.448 ha.
Khu vực hạ lưu thủy điện An Khê – Ka Năk trên địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, có 8 trạm bơm điện lấy nước trực tiếp từ sông Ba để tưới cho 550 ha lúa và một số diện tích hoa màu sản xuất dọc hai bên bờ sông Ba.
Từ cuối tháng 2, nguồn nước trên sông Ba đã cạn kiệt, không đủ cho các trạm bơm hoạt động. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty thủy điện An Khê - Ka Năk vận hành hồ chứa thủy điện An Khê - Ka Năk cấp nước cho hạ du. Nguồn nước hiện đã đảm bảo cho các trạm bơm hoạt động trở lại bình thường để phục vụ sản xuất./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-bang-song-cuu-long-lai-buoc-vao-dot-xam-nhap-man/151242.html