Đồng bằng sông Cửu Long: Thách thức, thời cơ và vận hội mới
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng đất lạ kỳ, đan xen hệ sinh thái đầy tiềm năng, cộng cư dân tộc đa sắc màu văn hóa. Trong quá trình phát triển, vùng đất này phải đối diện với những thách thức không nhỏ, nhưng đồng thời mở ra vận hội mới. Chủ trì Hội nghị Ðiều phối vùng ÐBSCL vừa qua tại Cà Mau, Phó thủ tướng Chính phủ, ông Lê Minh Khái, cho rằng, từ cái nhìn thực tại, trách nhiệm với ÐBSCL và đất nước, cần đề ra các giải pháp phù hợp để vùng đất này đón nhận thời cơ mới, vận hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mở ra cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng.
ĐBSCL có diện tích 40.000 km2 với lịch sử hình thành khoảng 7 ngàn năm, dân số khoảng 17 triệu người và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, an ninh lương thực của Việt Nam, cung cấp lương thực cho thế giới. Vùng đất phì nhiêu, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với nhiều vườn cây trĩu quả, rừng nước lợ, rừng ngập mặn rộng lớn với các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được công nhận. Dù có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng ĐBSCL cũng đối mặt không ít thách thức trước tác động ngày càng nghiêm trọng từ thiên tai đến nhân tai.
Bài 1: Trăn trở miền tây
Vùng đất của an ninh lương thực
Dựa vào tự nhiên và đặc thù của vùng đất, cuộc sống người dân ÐBSCL chủ yếu tập trung vào việc trồng lúa, nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái và rau củ, cung cấp cho cả thị trường nội địa và quốc tế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay diện tích sản xuất lúa vùng ÐBSCL ước đạt 3,9 triệu héc-ta, cung ứng khoảng hơn 23 triệu tấn lúa/năm.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, nông sản, thực phẩm Việt Nam đã hiện diện ở 190 quốc gia. Rất nhiều nhóm ngành hàng đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm... và dự kiến còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, phần lớn đến từ ÐBSCL. Riêng mặt hàng gạo, năm 2023, sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gạo Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới khi sản lượng xuất khẩu đạt hơn 8,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD. Năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ÐBSCL 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng ÐBSCL đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại... Trong tốp các địa phương có sản lượng nuôi, khai thác thủy hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu, tập trung hầu hết tại vùng ÐBSCL gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang (con tôm); các tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp thì nổi tiếng với con cá da trơn.
Không chỉ giữ tầm quan trọng trên lĩnh vực nông nghiệp, ÐBSCL cũng là vùng đa dạng sinh học toàn cầu, là môi trường sống cho 726 loài thực vật, 188 loài nấm, 82 loài động vật có vú, 350 loài chim, 87 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư, 414 loài cá... Ngoài ra, rừng ngập mặn ở ÐBSCL đặc biệt có sự đa dạng cao, với hơn 40 loài thực vật. Cùng với đó là hệ biển đảo, tín ngưỡng... Chính những yếu tố mang tính đặc thù, nhiều sức hút đã tạo nên ngành kinh tế “không khói”, không những mang về thu nhập cao mà còn góp phần thu hút đầu tư.
“ÐBSCL khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Phát triển kinh tế - xã hội của vùng đạt kết quả đáng ghi nhận: tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 2 cả nước; thu nhập của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ sau 2 vùng động lực của cả nước; nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó hạ tầng giao thông đang được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng trong phát triển kinh tế, thương mại”, ông Trần Duy Ðông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đánh giá.
Dễ bị tổn thương
Tuy là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ÐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương, nhất và đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu (BÐKH) đến việc hình thành các con đập thủy điện, thách thức an ninh nguồn nước làm cho sản xuất thiếu bền vững. Trong nửa thập kỷ vừa qua, gần 98% môi trường tự nhiên của vùng đã bị chuyển đổi, trở thành các vùng canh tác nông nghiệp, thủy sản và đất ở, chỉ còn khoảng 2% diện tích là các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên. Thách thức từ các đập thủy điện thượng nguồn như các con đập ở Lào, Trung Quốc và các nhánh sông Sesan ở Campuchia đã làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp nước, trầm tích cho đồng bằng. Tải lượng trầm tích đã giảm xuống chỉ còn 40% so với trước khi xây dựng đập và dự kiến sẽ giảm 97% vào năm 2040.
Bên cạnh đó, khu vực đồng bằng cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ BÐKH, làm thay đổi lượng mưa cũng như gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn. Các nhà khoa học cảnh báo, ÐBSCL của Việt Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Tiếp tục phát triển không bền vững có thể khiến 90% diện tích của vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp này của Việt Nam bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mê Kông... khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt... rất nghiêm trọng. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000 km; trung bình mỗi năm mất từ 300-500 ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay, sạt lở bờ sông, bờ biển làm mất hơn 5.300 ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, hầu hết đai rừng phòng hộ trên 100 km phía bờ Ðông của tỉnh đã bị sạt lở, làm mất diện tích đất rừng rất lớn. Nhiều vị trí, sóng biển đã tiến vào phá hủy đất rừng sản xuất của người dân, làm hạ tầng giao thông, tài sản người dân bị đe dọa. Ðịa phương cũng là nơi có hệ thống kênh rạch nhiều nhất Việt Nam và hầu hết đều thông ra biển, chịu tác động của thủy triều nên kéo theo bị ảnh hưởng của nước biển dâng, vừa gây sạt lở, lại gây ngập, kể cả các vùng trung tâm, nội đồng.
Theo chu kỳ, gần đây đã xuất hiện 3 mùa hạn hán lịch sử. Ở lần vừa rồi, mùa khô 2023-2024, đã gây hạn hán và xâm nhập mặn, làm hơn 50 ngàn hộ dân ở ÐBSCL thiếu nước sinh hoạt; gần 1 ngàn tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn héc-ta rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm héc-ta rừng bị cháy rụi...
Những thực tế nêu trên cho thấy, hệ lụy của BÐKH rất nặng nề, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, để lại hậu quả lâu dài. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn. Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do BÐKH gây ra với ÐBSCL sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này chúng ta không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết./.