Đồng bằng sông Cửu Long: Tháo gỡ vướng mắc để phát triển logistics

Thời gian qua, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics, gây tốn nhiều thời gian và chi phí.

Nhận diện những điểm nghẽn vận tải, logistics

ĐBSCL với vai trò là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Hàng năm, ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng. Tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.

Ông Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phát biểu tại hội thảo

Ông Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp tại ĐBSCL dưới góc độ logistics" do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Cần Thơ ngày 30/3, Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - cho biết, ĐBSCL có vị trí địa lý thuận lợi gồm mạng lưới đường thủy dài và chất lượng cao, có khả năng khai thác vận tải, với 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra-vào sông Hậu...

Song, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics, gây mất nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa, khiến vùng ĐBSCL phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.

Cần làm gì để phát triển logistics giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp là câu hỏi tồn tại trong suốt nhiều năm qua. Hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn sẽ được lắng nghe định hướng phát triển từ các cấp lãnh đạo nhà nước, cùng tham mưu đề xuất của các chuyên gia trong ngành logistics về giải pháp mang tính tiên phong, toàn diện với mục tiêu chung là tăng cường tính liên kết, xây dựng một vùng kinh tế - xã hội ĐBSCL bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, Thượng tá Bùi Văn Quỳ chia sẻ.

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại Cần Thơ

Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại Cần Thơ

Nhìn nhận từ thực tế, ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nêu cụ thể, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở ĐBSCL phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác do thiếu kết nối hạ tầng giao thông và logistics, gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa, khiến vùng ĐBSCL phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.

Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống logistics ở ĐBSCL đang gặp phải những khó khăn như thiếu ngân sách đầu tư, chi phí vận tải của doanh nghiệp cao do còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, hệ thống giao thông cảng, đường bộ còn hạn chế,... Những khó khăn trên đã làm tắc nghẽn chuỗi logistics, dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa…

Tập trung thúc đẩy hệ thống logistics ĐBSCL

Tại thời điểm này, ĐBSCL đang được quan tâm và đầu tư phát triển hệ thống logistics bài bản và vững vàng, phát huy tiềm năng trung tâm đầu mối xuất khẩu hàng hóa và là cửa ngõ tích hợp nhiều dịch vụ cảng biển tiện ích của vùng.

Mới đây, ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để đạt được mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới thì ngành Logistics cần xác định trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn và nhóm ngành cần được ưu tiên, có vai trò hỗ trợ cho nhóm ngành sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Minh- Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đề xuất, nên phát triển Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL. Hiệp hội sẽ hỗ trợ đề xuất những chính sách, nguồn nhân lực để phát triển logistics, chính sách ưu đãi nhà đầu tư logistics, góp ý cho các cơ quan quản lý địa phương... “Nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận tải hàng hóa lên TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL nên kết nối vận tải hàng không, vận tải hàng hóa trực tiếp từ Cần Thơ đi nước ngoài”- ông Nguyễn Duy Minh nêu giải pháp.

Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Hiệp hội VASEP) - cho biết, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị với Chính phủ cần thiết lập cảng biển khu vực tầm cỡ tại Cần Thơ để tàu có thể tiếp nhận hàng hóa của 10 tỉnh ĐBSCL, giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí vận tải hàng hóa.

Để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như: vận tải, kho hàng bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng (dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu...).

Thượng tá Bùi Văn Quỳ cũng nêu giải pháp, với vai trò là ban tổ chức hội thảo đồng thời cũng là một doanh nghiệp khai thác cảng, logistics đang hoạt động tại thị trường ĐBSCL, đơn vị rất mong muốn được làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, các hiệp hội.

Đồng thời, với kế hoạch phát triển Hiệp hội Logistics vùng ĐBSCL để kết nối và phát triển các nhà cung cấp dịch vụ Logistics của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics (VLA), kết quả kinh doanh vượt mức kỳ vọng của hãng tàu Maersk Sealand khi tiên phong mở code rỗng tại cảng Tân cảng Cái Cui (đạt 100 Teu/tuần và dự kiến sẽ tăng lên mức 200 Teu/tuần), kế hoạch mở rộng thêm dịch vụ lạnh tại Tân cảng Cái Cui, Tân cảng Sa Đéc là một tín hiệu đáng mừng cho hệ sinh thái tích hợp của Tân cảng Sài Gòn hướng đến mục tiêu “đặt khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh” mang cảng đến gần chân hàng nhằm đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cần tăng cường hơn nữa tính liên kết theo hướng “hợp tác cùng có lợi”, Tân cảng Sài Gòn sẵn sàng hợp tác với các khách hàng, các đối tác trên cơ sở phát huy sức mạnh của mỗi bên.

“Với sự đóng góp chung tay của các bên tôi tin chắc rằng mục tiêu ‘Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại ĐBSCL dưới góc độ logistics” sẽ được phát huy hơn nữa trong thời gian tới”, Thượng tá Bùi Văn Quỳ khẳng định.

Thu viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-bang-song-cuu-long-thao-go-vuong-mac-de-phat-trien-logistics-174307.html