Đồng bằng sông Cửu Long: 'Thất thủ' trong biển nước
Gần một tháng qua, khi miền Trung đang phải hứng chịu sự tàn phá bởi những cơn bão lũ thì ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người dân đang đối mặt với ngập lụt lịch sử. Nước tràn lên phố, ngập đồng ruộng, vườn trái cây... Bao công sức, của cải đều nhấn chìm theo biển nước.
THIỆT HẠI NẶNG NỀ
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, mưa lớn vừa qua đã làm ngập úng gần 21.000ha lúa, trong đó có 228ha lúa - tôm. Theo ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, nơi được xem bị thiệt hại nhiều nhất, huyện có 1.400ha lúa hè thu vùng ngọt hóa bị thiệt hại 100%. Ngoài ra, có trên 8.570ha bị thiệt hại trên 70%, diện tích bị thiệt hại từ 30-70% là 5.424ha. Trên 500ha màu của dân bị thiệt hại hoàn toàn, cây ăn trái thiệt hại 287ha.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đề nghị: "Theo lịch thời vụ, chậm nhất nông dân phải sạ dứt điểm vụ lúa thu đông vào cuối tháng 10. Nhưng trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp khuyến cáo những nơi không đủ điều kiện, địa phương cần vận động nông dân bỏ vụ thu đông, sản xuất 2 vụ ăn chắc".
Diện tích nuôi cá đồng hầu như bị thiệt hại hoàn toàn. Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, tính đến nay trên địa bàn có 4.500ha lúa bị ngập, thiệt hại trên 877ha; 477ha cây ăn trái và 247ha rau màu, dây thuốc cá bị thiệt hại do ngập. Có đến 83 tuyến đường với tổng chiều dài 178km chìm trong biển nước.
Thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn kéo dài nhiều ngày kèm lốc xoáy đã làm ngập úng, đổ ngã gần 20.000ha lúa thu - đông. Ngoài ra, hơn 15.000ha lúa, nhiều héc-ta rau màu ngập úng; trong đó diện tích bị thiệt hại gần 12.400ha. Huyện Vĩnh Lợi bị thiệt hại nhiều nhất với hơn 10.600ha. Tại huyện Hòa Bình có gần 6.200ha lúa thu - đông vừa xuống giống bị thiệt hại.
Tại Hậu Giang, đến nay có hơn 4.300ha lúa thu - đông trong giai đoạn trổ chín sắp thu hoạch bị đổ ngã (tỷ lệ 10 - 100%), thiệt hại năng suất từ 5-80% và có hơn 5.800ha lúa thu - đông ở giai đoạn mạ, trổ chín đến sắp thu hoạch bị ngập sâu từ 10 - 30cm. Nước trên các sông, kênh, rạch dâng cao cũng gây ngập úng hơn 1.500ha khóm, gần 1.100ha mía, hơn 500ha vườn cây ăn trái với độ ngập từ 10-100cm; làm đổ ngã nhiều diện tích mía, làm ngập úng nhiều diện tích rau màu và nhà dân. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 20.000ha đất tự nhiên và đất ven lang bãi bồi bị ngập sâu trong nước từ 10 - 30cm.
Tỉnh Vĩnh Long có hơn 2.500 căn nhà ngập nền, nhiều tuyến đường giao thông như quốc lộ, đường tỉnh, huyện lộ, đường liên xã... chìm trong nước gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ngoài ra, triều cường cũng làm 134ha lúa thu - đông, vườn cây ăn trái và rau màu dân các huyện bị ngập. Nhiều chợ, trường học và trụ sở cơ quan bị ngập, tràn nước...
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, khoảng 16.837ha lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, Gò Quao và Kiên Lương bị thiệt hại. Hơn 2.818ha nuôi trồng thủy sản ở các huyện U Minh Thượng, An Minh và Gò Quao bị ngập bờ bao, tôm, cua, cá thất thoát ra sông rạch.
UBND huyện Cù Lao Dung kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng sớm lập dự án đầu tư "Nâng cấp đê bao tả hữu huyện Cù Lao Dung" để đảm bảo các đợt triều cường dâng cao trong những năm tới. Ngoài ra, sớm lập dự án đầu tư đê bao sông trên địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1; đồng thời bố trí dự án vào danh mục trung hạn 2021 - 2025 để đầu tư phòng chống triều cường. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư các công trình xung yếu trên địa bàn huyện.
ĐÊ BAO ĐỀU "THẤT THỦ"
Trong những ngày ảnh hưởng của bão, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có 81 đoạn bờ câu, đê bao, bờ bao và tuyến lộ giao thông bị vỡ, sạt lở với tổng chiều dài 339m, 99 đoạn bị tràn với tổng chiều dài 14.754m. Triều cường gây ngập hơn 450ha mía, 74ha rau màu các loại, hơn 77ha trồng cây ăn trái, ảnh hưởng hơn 24ha nuôi tôm, cá và ngập 298 căn nhà. Hiện người dân địa phương gia cố đê bao ứng phó với những đợt triều cường sắp tới. Tại huyện Mỹ Tú (H.Kế Sách) có nhiều đoạn đê, bờ bao, tuyến lộ giao thông nông thôn bị vỡ, nhiều căn nhà và diện tích nuôi thủy sản bị ngập làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Toàn xã Thành Trung (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) có hơn 380ha đất trồng khoai lang đang xuống giống. Do mưa lớn cộng với triều cường khiến vỡ đê khoảng 30m. Tại Tiền Giang, khu vực các huyện phía Tây, nhiều nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng do triều cường. Mới đây, một đoạn bờ đê dài hơn 100m ven sông Rạch Gầm bị sạt lở, gây ngập úng trên diện rộng.
Tại tổ 11, ấp Long Quới (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), triều cường dâng cao kết hợp với mưa nhiều đã làm sạt lở một đoạn bờ đê bài 12m tại vườn nhà ông Trần Văn Thuận. Nước từ sông Tiền tràn vào gây ngập úng vườn cây sầu riêng và nhà ở của hàng chục hộ dân trong khu vực. Xã Phú Phong (huyện Châu Thành) có 6 điểm sạt lở có quy mô lớn ven sông Phú Phong. Chính quyền và người dân địa phương đã huy động nhân lực, vật lực để gia cố tạm thời để ngăn nước.
Tại Bến Tre, đợt triều cường vừa qua cũng gây tràn, sạt lở, vỡ 15 điểm đê bao, bờ bao với tổng chiều dài gần 200m và 36 căn nhà ở của người dân bị ngập. Nghiêm trọng nhất tại cồn Lát (ấp Quân Bình, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) có 5 điểm sạt lở. Đoạn bờ đê ở ấp Phú Bình (cồn Phú Đa), xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách) bị sạt lở 50m.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/that-thu-trong-bien-nuoc_102913.html