Đồng bằng sông Cửu Long: Triển vọng từ mô hình nuôi tôm không xả thải

Mặc dù đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tốc độ phát triển rất mạnh về diện tích và hiện là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước, tuy nhiên vẫn tồn tại mặt tiêu cực là vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nước thải. Một số tỉnh trong vùng đang nghiên cứu và triển khai mô hình nuôi tôm không xả thải nhằm bảo đảm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng tôm.

Mô hình nuôi tôm không xả thải - chi phí cao nhưng hiệu quả lại không nhỏ

Ngành nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa được nâng cao. Do đó, tình trạng ô nhiễm ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường cũng như sức khỏe con người.

Cụ thể, bùn thải, lượng thức ăn dư thừa, lượng phân do tôm thải ra không được xử lý đúng cách, sau một thời gian dài tích tụ, sản sinh ra nhiều chất độc hại. Nguồn nước thải trong quá trình nuôi trồng và chế biến xả trực tiếp theo đường ống ra các khu vực lân cận cũng gây ảnh hưởng đến con người và vật nuôi.

Mô hình nuôi tôm không xả thải mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí hóa chất xử lý, nhân công và thay nước cho ao nuôi tôm. Ảnh minh họa.

Mô hình nuôi tôm không xả thải mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí hóa chất xử lý, nhân công và thay nước cho ao nuôi tôm. Ảnh minh họa.

Trước thực trạng trên, mô hình nuôi tôm không xả thải hay còn gọi là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn sử dụng công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học đã được đầu tư và thử nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh Cà Mau.

Trước đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Phan Tấn Thanh cho biết, 100% mô hình thí điểm không xả thải hoặc ít xả thải đã có biện pháp xử lý bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh sang các vuông nuôi khác.

Sở cũng đã từng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đề tài nghiên cứu cấp nhà nước phát triển công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn Cà Mau và một số tỉnh ĐBSCL.

Theo đó, dự án có tên “3R cho nuôi trồng thủy sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - 3R4CSA”, do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chủ trì, Tổ chức CIRAD và Đại sức quán Pháp tại Việt Nam tài trợ. Dự án được thực hiện tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước hồi tháng 5/2023.

Mô hình nuôi tôm không xả thải được thực hiện theo công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) và chia theo 3 giai đoạn: ươm giống giai đoạn 1 khoảng từ 20 - 25 ngày; sau đó chuyển sang nuôi giai đoạn 2 và giai đoạn 3 thông qua hệ thống tuần hoàn nước. Đây là hệ thống khép kín và tái sử dụng nước giúp giảm tối thiểu lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước. Ngoài ra, trong quá trình nuôi sẽ bổ sung các chất chế phẩm sinh học, thảo dược vào thức ăn hàng ngày để tạo hệ thống miễn dịch và phòng vi khuẩn trên tôm.

Một trong những hộ được thử nghiệm mô hình, anh Huỳnh Thái Nguyên, xã Hưng Mỹ, huyện Cái nước cho biết, chỉ sau khoảng 2,5 tháng thả nuôi, anh đã thu hoạch tôm đạt kích cỡ 39 con/kg. Chất lượng tôm đáp ứng tốt như cầu tiêu dùng của thị trường ngoài nước.

“Mặc dù chi phí đầu tư cao gấp 3 lần so với chi phí nuôi tôm siêu thâm canh truyền thống nhưng hiệu quả mang lại không nhỏ. Mô hình với ưu điểm rút ngắn thời gian nuôi, sản lượng đạt hơn 20%/ao so với trước đây. Đặc biệt, giúp kiểm soát được yếu tố môi trường, đảm bảo năng suất, chất lượng tôm nuôi theo hướng an toàn sinh học, phù hợp với bối cảnh môi trường bị ô nhiễm” - anh Nguyên chia sẻ.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tác động trực tiếp đến môi trường, mô hình nuôi tôm không xả thải được đánh giá là một mô hình mới có nhiều triển vọng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Nhứt - Chủ nhiệm dự án thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, với công nghệ mới này, người nuôi có thể thả “nối đuôi” trên cùng diện tích ao. Thời gian quay vòng vốn nhanh, giúp tăng lợi nhuận của mô hình. Hệ thống ao nuôi hoạt động liên tục đồng nghĩa với lượng dinh dưỡng cho hệ vi sinh phát triển một các liên tục phù hợp với nuôi tuần hoàn nước dùng lọc sinh học.

Theo đó, người nuôi có thể thả tôm liên tục từ 6 - 8 vụ/năm thay vì phải chờ thời gian phơi đầm hay thay nước như trước. Bình quân sản lượng nuôi đạt từ 60 - 70 tấn/ha/vụ. Mô hình thân thiện với môi trường, giúp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, giảm hóa chất, kháng sinh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu nước ngoài.

Nhân rộng tại đồng bằng sông Cửu Long

Bạc Liêu cũng là một trong số những tỉnh thuộc ĐBSCL nghiên cứu và triển khai mô hình nuôi tôm không xả thải nhằm bảo đảm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng tôm.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, mô hình này chiếm lượng lớn ở Bạc Liêu, với mức khoảng 80% số hộ nuôi. Tình trạng nuôi tôm rồi xả thải trực tiếp ra kênh rạch hầu như không còn nên tỷ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 80%. Đáng chú ý, loại tôm cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến trong dân.

Mô hình thân thiện với môi trường giảm hóa chất, kháng sinh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu nước ngoài. Ảnh minh họa

Mô hình thân thiện với môi trường giảm hóa chất, kháng sinh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu nước ngoài. Ảnh minh họa

Đơn cử, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh tại Bạc Liêu dành một khoảng đất nhỏ làm nơi gom nước thải về rồi xử lý, lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học, bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo kiểu dích dắc nhằm bảo đảm nước được lọc sạch hoàn toàn, trước khi đưa qua ao thứ 5 rồi bơm ngược trở lại ao nuôi.

Trong quá trình nuôi, công ty đã sử dụng các chế phẩm từ sinh học thay cho hóa học, bổ sung khoáng có khả năng thay 100% vôi cho ao nuôi, giúp tiết kiệm chi phí, giảm công lao động và chống trơ đáy ao.

Theo các nhà quản lý và khoa học, đây là kỹ thuật mới so với Việt Nam và thế giới, giúp giảm được chi phí sản xuất, sản lượng đạt 60 - 70 tấn/vụ, bình quân mỗi năm từ 6 - 8 vụ, từ đó tăng cường được sản lượng. Bằng mô hình này, số lượng carbon thải ra của 1 kg tôm rất thấp, người tiêu dùng không còn lo sợ hóa chất của các loại thuốc kháng sinh.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học còn giảm được rủi ro nhờ kiểm soát tốt môi trường, thức ăn và dịch bệnh, từ đó, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng với những con tôm khỏe mạnh, bóng đẹp, không tồn dư kháng sinh hay hóa chất; đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng khó tính và tạo nên thương hiệu cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Qua đó, với mô hình này người dân thực hiện được song song 2 nhiệm vụ vừa nuôi, vừa bảo vệ môi trường, đây là mô hình nuôi tôm bền vững và có thể nhân rộng tại một số tỉnh ĐBSCL.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-bang-song-cuu-long-trien-vong-tu-mo-hinh-nuoi-tom-khong-xa-thai-159605.html