Đồng bằng sông Cửu Long trong cơn khát dai dẳng mùa khô: Cuộc chạy lở giữa mùa khô hạn (Bài 3)

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,... Hàng chục ngàn hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa này phải trắng đêm hứng nước hoặc đội nắng mang can đi nhận nước hỗ trợ. Phóng viên Báo Long An đã có chuyến ghi nhận thực tế, khởi hành từ đầu tháng 4, kết thúc đầu tháng 5 tại các địa phương là 'điểm nóng', đã công bố tình trạng khẩn cấp gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Long An và các tỉnh khác như Sóc Trăng, Bến Tre để ghi lại câu chuyện của nông dân giữa mùa khát cháy.

Bài 3: Cuộc chạy lở giữa mùa khô hạn

Cơn nắng hạn kéo dài, kênh, rạch cạn nước đã gây ra hơn 600 vụ sạt lở đường tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau và huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, tổn thất hơn 100 tỉ đồng. Không chỉ làm giao thông tê liệt, hàng chục người dân cũng lâm vào cảnh mất nhà.

“Ăn nhờ, ở đậu” vì nhà bị sạt lở

12 giờ trưa, anh Võ Tiến Khôi (21 tuổi) ngồi bên trong căn nhà kho vách cây, mái tôn tạm bợ ven Đường tỉnh 965 (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang). Đang mùa nắng cháy, khu vực nhà kho hơn 10m2 nóng hầm hập, ai cũng ướt mồ hôi. Xung quanh, ngoài hàng tạp hóa chỉ còn đủ chỗ để chiếc giường nhỏ vừa 2 người nằm.

Anh Võ Tiến Khôi (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) ngồi bên trong căn nhà kho thuê là nơi tạm cư của gia đình 4 người sau khi nhà lở mất

Anh Võ Tiến Khôi (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) ngồi bên trong căn nhà kho thuê là nơi tạm cư của gia đình 4 người sau khi nhà lở mất

Đây là nơi tạm cư vừa thuê lại của gia đình 4 người sau sự cố nhà bị sạt lở 1 tháng trước. Nơi ở tạm bợ đến mức được chủ lấy tiền thuê chỉ 5 triệu đồng/năm. “Buổi tối, cha mẹ ngủ ở đây, còn tôi với em gái phải chạy sang nhà chị ruột gần đó ngủ nhờ” - anh Khôi cho biết.

Gia đình anh Khôi trước đây có 8.000m2 đất trồng lúa, do ruộng nằm phía bên trong cống ngăn mặn nên mùa khô thường thiếu nước, mùa mưa hay ngập úng. Gia đình anh sau đó chuyển sang trồng cây sen lấy gương, vừa chịu được ngập lẫn khô hạn. Mấy năm nay, gương sen có giá, tích cóp được chút đỉnh vốn nên gia đình muốn dời đến khu vực đông dân cư để buôn bán. Hai năm trước, họ gom hết vốn liếng mua mảnh đất gần 100m2 ven bờ kênh cất tiệm tạp hóa gỗ, vách tôn, sàn bê tông, tổng hết 200 triệu đồng. Nhà anh Khôi xây xong, một năm sau, người hàng xóm cũng xây sát vách căn nhà tường kiên cố một trệt, một lầu.

Ghe, xuồng mắc cạn bên những dòng kênh cạn nước, mặt đất nứt nẻ tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Ghe, xuồng mắc cạn bên những dòng kênh cạn nước, mặt đất nứt nẻ tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang

Từ đầu mùa khô năm nay, cống ngăn mặn cách nhà hơn 1km đóng, nắng gắt kéo dài khiến nước trên kênh bắt đầu vơi dần, sau đó thì cạn hẳn. Một tuần trước sự cố, phía trước nền nhà hàng xóm bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt, được dùng xi măng vá lại. “Trưa hôm đó, mọi người đang ở trong nhà, nghe tiếng rắc rắc lớn nên chạy ra xem thì thấy nhà hàng xóm lún dần. Ầm! Trong tích tắc, toàn bộ tầng một sập sâu xuống hơn 2m, kéo theo cả sàn nhà của tôi” - chủ nhà nhớ lại.

Mất nhà nhưng anh Khôi lạc quan cho biết “trong cái rủi có cái may”. Thời điểm đó, mọi người đều phát hiện, chạy kịp ra ngoài, nếu đúng vào giờ ngủ thì mọi chuyện có thể đã tồi tệ hơn. Người dân sau đó đến giúp hai gia đình thu gom đồ đạc bị vùi trong đống đổ nát, gửi nhờ nhà kế bên. Nhà lở mất, người hàng xóm cũng trở về ở nhờ nhà cha mẹ ruột cách đó hơn 1km.

Căn nhà 2 tầng của ông Huỳnh Văn Lịch (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) bị sụp lún, mất 1 tầng, sau 1 tháng chủ nhà vẫn chưa tháo dỡ

Căn nhà 2 tầng của ông Huỳnh Văn Lịch (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) bị sụp lún, mất 1 tầng, sau 1 tháng chủ nhà vẫn chưa tháo dỡ

Cơn “thịnh nộ” mùa khô của tự nhiên đã giật đổ tổng cộng 26 căn nhà ven kênh, tiếp tục đe dọa hơn 50 căn khác ở xã An Minh Bắc. Hơn 300 điểm sạt lở khác ven sông cũng băm nát đường giao thông nông thôn, chính quyền tỉnh Kiên Giang sau đó phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Những phận người bị “mắc kẹt”

Nhìn từ trên cao, khu vực ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc không khác gì bãi chiến trường. Dưới sông, ghe xuồng mắc kẹt bên mặt đất nứt nẻ; trên bờ, lộ đal rộng hơn 3m vừa đổ xong 3 tháng trước giờ bị sụp xuống, đoạn sâu nhất khoảng 2m, bê tông vỡ vụn. Người dân phải cặm lá dừa, treo đèn cảnh báo để các phương tiện an toàn qua khu vực.

Vừa cùng các con dùng cuốc san phẳng con đường đất nhỏ sát đường đal bị lở một đoạn hơn 30m để người dân đi tạm, ông Nguyễn Xuân Chiều (55 tuổi, ngụ ấp Trung Đoàn) cho hay, người lớn không sao, chỉ tội cho trẻ con khi mùa mưa đến đi học sẽ vất vả hơn.

Phía dưới con đường đal vỡ vụn, chiếc sà lan sắt nằm gác ngang lòng kênh cạn, trong khi chiếc máy xúc của con trai ông Chiều phải nằm phơi nắng, phơi sương bên cạnh bờ sông gần 2 tháng nay.

“Thời điểm cống ngăn mặn đóng, do đang nhận công trình, sà lan không ra sông lớn kịp, giờ kênh cạn, đường sụp nên máy móc cũng bị mắc kẹt không làm ăn gì được” - ông Chiều thở dài.

Cách đó hơn 100km, đường sá tại các xã vùng ngọt hóa Trần Hợi, Khánh Hải, Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng tan hoang không kém với hơn 300 vụ lở đất.

Đứng trước thềm nhà đã bị lở gặm sát, nền đường sụp xuống sâu khoảng 2m, ông Võ Văn Triệu (77 tuổi, ngụ ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải) nói nếu không sớm khắc phục, mưa xuống lở sẽ tiếp tục ăn sâu vào nhà. Hiện đoạn lở dài hơn 30m được giăng dây, rào tạm bợ bằng những thanh tre và mắc đèn để cảnh báo các phương tiện về đêm.

Ông Võ Văn Triệu (ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đứng trước căn nhà bị sạt lở đường đe dọa đầu tháng 4/2024

Ông Võ Văn Triệu (ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đứng trước căn nhà bị sạt lở đường đe dọa đầu tháng 4/2024

"Sốt ruột lắm chứ! Mong Nhà nước sớm di dời các đoạn đường đal vỡ để gia đình tôi chở đất ruộng vô lấp lại các đoạn bị sụp, vì mưa xuống lở sẽ dữ hơn” - ông Triệu bộc bạch.

Mùa hạn, mặn năm nay, kênh, rạch khô, đường lở, người dân phải thuê xe máy chở lúa sau khi thu hoạch. Giao thông tê liệt, nhiều vườn dừa, chuối vì thế cũng không có ai đến mua, chủ vườn phải bỏ cho chim, chuột ăn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các địa phương đang bị sạt lở như vùng ngọt hóa Trần Văn Thời có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do người dân tích nước ngọt để sản xuất. Từ đầu năm 2024 đến nay, do khu vực không có mưa, nắng nóng khiến nước bốc hơi nhanh, ruộng đồng, kênh, mương không còn nước, gây ra sụt lún.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nêu ra 3 giải pháp cho câu chuyện sụt lún. Thứ nhất, cần hạn chế lưu thông, đặc biệt là các xe tải trọng lớn vào các tuyến đường đang có nguy cơ sạt lở. Thứ hai, cần tính toán tích trữ nước không tập trung để có thể bơm nước bổ sung ngay tại các vùng lân cận. Vấn đề thứ ba rất quan trọng là phải chuyển đổi từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 1 vụ tôm để đến mùa hạn, mặn có thể cho nước mặn vào nuôi tôm và đến mùa mưa lại trồng lúa.

“Vừa chuyển đổi 1 vụ lúa, 1 vụ tôm cho vùng này sẽ vừa ổn định sản xuất, vừa bảo đảm không sụt lún; đồng thời, thu nhập của người dân cũng sẽ được tăng cao” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

Đầu tháng 5/2024, sau vài cơn mưa nặng hạt, nhiều đoạn đường tại xã An Minh Bắc tiếp tục sạt lở. Cạnh nhà anh Khôi, căn nhà 2 tầng đổ nát sau vụ lở đến nay chủ nhà vẫn chưa tháo dỡ, tiếp tục là một mối nguy cơ.

Sau sự cố, cha mẹ anh Khôi vay mượn người quen hơn 50 triệu đồng mua vật liệu về sửa lại nền nhà để gia đình sớm có chỗ ở. Tuy nhiên, khi đã xong phần vỉ sắt, chuẩn bị đổ bê tông thì chính quyền địa phương yêu cầu tạm ngưng để theo dõi tiếp. Lâm cảnh nợ nần, không thể xây nhà mới, lại không được trở về nhà cũ, gia đình anh Khôi vì thế đang bị “mắc kẹt” trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”./.

(còn tiếp)

Bài cuối: Để xóa đi nỗi ám ảnh hạn, mặn mỗi mùa khô

Thanh Nga - Thường Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dong-bang-song-cuu-long-trong-con-khat-dai-dang-mua-kho-cuoc-chay-lo-giua-mua-kho-han-bai-3--a176125.html