Đồng bào các dân tộc thiểu số Lạng Sơn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững
Những năm qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của Nhân dân, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và đạt được những kết quả quan trọng.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có diện tích tự nhiên 831.018 ha, dân số của tỉnh năm 2024 có trên 812.000 người. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 16,09% dân số, các dân tộc thiểu số chiếm 83,91% dân số. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện; 200 xã, phường, thị trấn, trong đó có 199 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm 103 xã khu vực I, 8 xã khu vực II và 88 xã khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2019 - 2024, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự giám sát, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của HĐND tỉnh và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của Nhân dân, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, chính sách dân tộc, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đồng bộ, toàn diện, với nhiều giải pháp điều hành linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế.
Qua đó tình hình kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh ổn định, từng bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.
Kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2019 - 2023 là 6,27%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 43,4 triệu đồng, ước hết năm 2024 đạt 61,9 triệu đồng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng); đã khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn Km3+700-Km18 và đoạn Km18-Km80...
Phong trào làm đường giao thông, cầu giao thông nông thôn tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, được Nhân dân hưởng ứng, đem lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông từ 77,6% năm 2019 tăng lên 98,3% năm 2024; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa từ 41,8% năm 2019 tăng lên trên 87% năm 2024; đến nay có 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt trên 99%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%.
Các chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tính đến năm 2019 là 61/207 xã, chiếm tỷ lệ 29,5%, kết thúc năm 2023 đã có 98/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54,1%, dự ước năm 2024 toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ giảm nghèo bình quân đạt trên 2,9%/năm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2019 là 10,89%, đến hết năm 2024 dự ước giảm xuống còn 4,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo; giảm dần khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng trên địa bàn tỉnh.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được nâng lên. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học, phục vụ sinh hoạt cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, các trường ở xã đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư theo hướng trường đạt chuẩn Quốc gia. Số trẻ mầm non đến trường, học sinh đi học phổ thông được duy trì đạt tỷ lệ trên 99%; đến nay trên địa bàn tỉnh có 295 trường học đạt chuẩn quốc gia (trong đó có: 102 trường mầm non, 87 trường tiểu học, 94 trường THCS, 12 trường THPT). Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng. Hệ thống trạm y tế xã, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện được đầu tư nâng cấp; đội ngũ y, bác sĩ tiếp tục được bổ sung bảo đảm số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Ước hết năm 2024 có 200 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, có 11,4 bác sĩ và 33,6 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 94,45%; 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tình hình chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên.
Phát huy kết quả đã đạt được, giai đoạn 2024 - 2029, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chính sách dân tộc gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thức hiện; quan tâm đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; thực hiện các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ trong nông nghiệp.
Ba là, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, dịch vụ viễn thông... Tiếp tục thực hiện quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng, duy trì và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Năm là, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh triển khai thực hiện hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử. Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, lịch sử, cộng đồng, khám phá. Thu hút các dự án đầu tư khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học, phục vụ sinh hoạt cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, các trường ở vùng đặc biệt khó khăn theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc.
Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt công tác y tế - dân số, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và công tác dự phòng, chủ động phòng bệnh, kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra.
Tám là, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa; phát huy vai trò các nghệ nhân, chủ thể trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ tại địa phương.
Chín là, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời nhận diện, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch. Tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Mười là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc; phát huy tính chủ động, tự giác, ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
Với lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, niềm tự hào dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, chúng ta tin tưởng rằng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống và có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.