Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón lễ hội KaTê năm 2022

Trong 3 ngày từ 23- 25.10 (tức là từ 1-3.7 theo Chăm lịch), đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận vui mừng tổ chức Lễ hội KaTê theo nghi thức truyền thống tại khu đền tháp cổ. Hàng ngàn người dân địa phương và du khách cùng hòa mình trong ngày khai hội.

Như mọi năm, không gian Lễ hội Katê diễn ra tại các đền, tháp Chăm và làng Chăm theo đạo Bàlamôn tại 4 huyện và thành phố: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và thôn Thành Ý, xã Thành Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm.

Lễ hội KaTê nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm Ninh thuận được cộng đồng nơi đây bảo tồn, giữ gìn qua nhiều đời

Lễ hội KaTê nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm Ninh thuận được cộng đồng nơi đây bảo tồn, giữ gìn qua nhiều đời

Katê là lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn để tưởng nhớ các vị thần, vị vua có nhiều công lao đóng góp, được đồng bào tôn kính, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Không khí lễ hội được điểm tô bởi những bài thánh ca, những điệu múa dân gian hòa trong nền nhạc khi trầm khi bổng của đàn Kanhi, rộn ràng với tiếng trống Ginăng - Baranưng, thanh cao réo rắt của kèn Saranai và huyền bí của tiếng tù và...

Các vị chức sắc đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn dẫn đầu đoàn rước y trang lên khu đền tháp Pô Klong Garai

Các vị chức sắc đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn dẫn đầu đoàn rước y trang lên khu đền tháp Pô Klong Garai

Katê cũng là nơi hẹn hò của các đôi trai gái. Là nơi khoe sắc phục truyền thống lung linh sắc màu. Không gian Katê thường rộng, thoáng, trang trọng và rực rỡ sắc màu.

Lễ hội Katê năm nay diễn ra từ 23 đến 25.10, theo phong tục truyền thống, cứ vào ngày 1-3.7 Chăm lịch, tại các khu vực đền, tháp Chăm gồm đền Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai; tháp Pô Rômê sẽ bắt đầu các hoạt động như: rước y trang, mở cửa tháp và tiến hành các nghi thức tôn giáo, văn hóa, văn nghệ truyền thống.

Đồng bào Raglai biểu diễn nhạc cụ truyền thống chung vui trong ngày hội KaTê

Đồng bào Raglai biểu diễn nhạc cụ truyền thống chung vui trong ngày hội KaTê

Theo tục lệ, trước ngày diễn ra lễ chính, nhân dân tại các thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước) tiến hành lễ đón, rước y trang Pô Inư Nưgar từ đồng bào người Raglai thôn Tà Nô, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) về đền thờ trong thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước.

Bắt đầu từ sáng 1.7 Chăm lịch, tất cả khu đền, tháp Chăm gồm: Đền Pô Inư Nưgar, Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rômê sẽ chính thức mở cửa và tiến hành các nghi thức Lễ hội Katê truyền thống được cộng đồng dân tộc Chăm bảo tồn và truyền dạy đến tại ngày nay.

Trong ngày nghi lễ chính thức diễn ra, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn bày lễ vật dâng lên các vị thần.

Trong ngày nghi lễ chính thức diễn ra, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn bày lễ vật dâng lên các vị thần.

Sau ngày lễ chính, Lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng, tộc họ và gia đình người Chăm Bàlamôn trên địa bàn tỉnh, đây cũng là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê sum họp với người thân, gia đình.

Cả sư Hán Dậu (ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) cho biết, Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi. Các gia đình đã trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật để cúng dâng lên các vị thần linh, ông bà tổ tiên để cầu mong cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Các gia đình cùng nhau lưu lại những khoảng khắc đẹp trong ngày lễ dân tộc Chăm

Các gia đình cùng nhau lưu lại những khoảng khắc đẹp trong ngày lễ dân tộc Chăm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, Những năm qua, đời sống cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Ninh Thuận luôn được chăm lo, quan tâm phát triển về mọi mặt, trong đó có đồng bào Chăm. Nhân dịp Lễ quan trọng này, tôi mong rằng các vị chức sắc, chức việc tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con tín đồ cùng nhau gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị độc đáo của Lễ hội Katê cũng như các lễ hội truyền thống khác của người Chăm, góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh văn hóa độc đáo dân tộc Chăm với bạn bè và du khách gần xa.

Lễ hội Katê với những giá trị độc đáo, đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì và phát triển trong cộng đồng đã trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm.

Đông đảo người dân, du khách cùng chung vui trong ngày lễ KaTê năm 2022

Đông đảo người dân, du khách cùng chung vui trong ngày lễ KaTê năm 2022

Với nét văn hóa đặc sắc trên, năm 2017, “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Quang Huy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/dong-bao-cham-ninh-thuan-vui-don-le-hoi-kate-nam-2022-i304800/