Đồng bào Công giáo Cát Tiên sống tốt đời, đẹp đạo
Thực hiện phong trào thi đua 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo', đồng bào Công giáo ở huyện xa nhất phía nam tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, xuất hiện nhiều gương điển hình trong các lĩnh vực.
Đoàn kết phát triển kinh tế, đời sống văn hóa
Huyện Cát Tiên có 2 giáo xứ gồm giáo xứ Cát Tiên và giáo xứ Đồng Nai Thượng. Giáo dân sinh sống trên địa bàn huyện gồm nhiều dân tộc như Kinh, Mạ, XTiêng, M’Nông, K’Ho,... với 1.320 hộ, 5.068 khẩu sống rải rác ở các xã và thị trấn. Việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết trong đồng bào Công giáo luôn được quan tâm. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBMTTQVN huyện Cát Tiên, khẳng định: Ban Đoàn kết Công giáo huyện đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tập hợp, đoàn kết giáo dân; thường xuyên phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể và các giáo xứ, họ đạo để tuyên truyền, động viên bà con sống tốt đời, đẹp đạo. Sự phối hợp này đã phát huy hiệu quả và được chứng minh trong thực tiễn.
Trong những năm qua, bà con giáo dân huyện Cát Tiên đã nêu cao ý thức tự lực tự cường, đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý. Qua đó, ngày càng có nhiều cá nhân, hộ gia đình tạo ra những mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Trần Văn Thức (xã Đức Phổ) với hơn 2 hecta cây chôm chôm; hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Nghị (Tổ dân phố 8, thị trấn Cát Tiên) với xưởng dệt lưới ni lông các loại phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân trong huyện, mang lại nguồn thu nhập hằng năm khoảng 200 triệu đồng,...
Vốn gắn bó với cây điều nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, giờ đây, người dân buôn Bê Đê, xã Đồng Nai Thượng đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây cà phê. Với sản lượng khoảng 4 tấn nhân/1 ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hộ gia đình tích lũy được khoảng 40 triệu đồng. Anh Điểu K’Niếu (31 tuổi, buôn Bê Đê) cho biết: “Được sự hỗ trợ của Ban Đoàn kết Công giáo huyện, chúng tôi có điều kiện tham quan một số mô hình phát triển kinh tế và chăm sóc cây trồng. Từ đó thay đổi tư duy, chủ động tìm hướng thay đổi để phát triển kinh tế gia đình”.
Bên cạnh phát triển kinh tế, cộng đồng người Công giáo tại huyện Cát Tiên còn đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục. Hằng năm, các giáo xứ thường xuyên tổ chức phát thưởng cho các học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhằm khuyến khích và động viên, đồng thời tạo điều kiện, nâng đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đặc biệt, giáo xứ Cát Tiên được cấp phép mở lớp trẻ tư thục cho các cháu từ 2 - 3 tuổi, do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đảm nhận. Lớp trẻ có sĩ số trung bình khoảng 25 cháu, đã góp phần với địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục.
Công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện chương trình y tế quốc gia, bảo vệ môi trường, chương trình dân số,... được các linh mục kết hợp trong mỗi lần dâng thánh lễ. Nhờ vậy, nhận thức của đồng bào Công giáo trong việc thực hiện nếp sống văn minh ngày càng được nâng lên.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Theo đánh giá của UBMTTQ huyện Cát Tiên, cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, trong thời gian qua, bà con giáo dân đã tích cực đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Tại giáo xứ Đồng Nai Thượng, bà con giáo dân đã chung tay xây dựng khu nghĩa trang chung cho toàn xã, có khu kim tĩnh đưa những mộ ở trong vườn, trong rừng về nơi tập trung. Đồng thời, xây sẵn những kim tĩnh để khi có người qua đời vừa đỡ tốn kém đến gia đình, vừa xây dựng được nếp sống văn minh. Đồng thời, Ban Đoàn kết Công giáo xã Đồng Nai Thượng đã vận động bà con giáo dân góp công góp của, hiến đất để làm các tuyến đường chung, giúp cho người dân đi lại được thuận tiện. Đặc biệt là quan tâm đến các em học sinh, vận động các em trong độ tuổi đến trường không bỏ học.
Các linh mục và Ban Đoàn kết Công giáo thường xuyên nhắc nhở giáo dân tích cực hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp. Chính nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động cũng như sự tham gia nhiệt tình của đông đảo đồng bào Công giáo mà trong những năm qua, các khu dân cư Công giáo được bảo đảm về an toàn trật tự công cộng, không có tệ nạn xã hội, không xảy ra điểm nóng khiếu kiện đông người.
Xuất phát từ tinh thần sống bác ái, yêu thương, các hoạt động từ thiện nhân đạo được bà con giáo dân huyện Cát Tiên nhiệt tình hưởng ứng với những đóng góp tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, để xóa đói giảm nghèo, cộng đồng người Công giáo tại Cát Tiên đã giúp nhau về lúa giống và cho vay không lấy lãi với tổng số tiền 800 triệu đồng; đóng góp được khoảng 60 triệu đồng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho những gia đình chính sách và người nghèo; giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn với tổng số tiền khoảng 330 triệu đồng,...
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, đối với người Công giáo, việc tự giác thi hành quyền và nghĩa vụ công dân đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt. Các phong trào thi đua yêu nước ngày càng đem lại giá trị thiết thực cho mọi người, mọi nhà, do vậy ngày càng lôi cuốn đông đảo cộng đồng giáo dân hưởng ứng với tinh thần tự giác cao. Từ đó, đã tạo được mối kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, nêu cao được vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tại các cộng đồng dân cư.