Đồng bào dân tộc Tày xóm Thu Lu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng
Với mục tiêu đưa huyện Đà Bắc trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Hòa Bình, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Những năm qua, từ mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Dao xã Cao Sơn, du lịch cộng đồng người Mường xã Hiền Lương, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc tiếp tục triển khai mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày tại xóm Thu Lu, xã Giáp Đắt. Mô hình này tuy mới, song với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự hưởng ứng từ người dân, hứa hẹn sẽ tạo nên dấu ấn mới cho đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Với mục tiêu đưa huyện Đà Bắc trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Hòa Bình, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Những năm qua, từ mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào Dao xã Cao Sơn, du lịch cộng đồng người Mường xã Hiền Lương, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc tiếp tục triển khai mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày tại xóm Thu Lu, xã Giáp Đắt. Mô hình này tuy mới, song với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự hưởng ứng từ người dân, hứa hẹn sẽ tạo nên dấu ấn mới cho đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Xóm Thu Lu cách trung tâm huyện Đà Bắc 60km. Xóm có 69 hộ với 314 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày. Tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.120 ha, trong đó, đất sản xuất 9,2 ha, đất rừng phòng hộ 2.055 ha, đất thổ cư 48,4 ha. Người dân trong xóm vẫn bảo tồn, lưu giữ được những nếp nhà sàn, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề dệt thủ công truyền thống cùng các món ẩm thực phong phú của đồng bào dân tộc Tày.
Bên cạnh đó, rừng tự nhiên được bảo tồn nên còn nhiều cây gỗ cổ thụ cùng với dòng suối bắt đầu từ thác Đá Mắc, phù hợp với phát triển tua du lịch đi bộ leo núi trải nghiệm. Hiện nay trong xóm Thu Lu có 69 ngôi nhà, trong đó có 20 ngôi nhà đã chuyển sang bê tông, còn lại 49 nhà sàn, kiểu nhà 3 gian bền chắc, được dựng bởi các cột gỗ tròn to và được lợp bằng mái cọ, biểu hiện cho sự hòa hợp với thiên nhiên của người dân nơi đây.
Chúng tôi đến với gia đình anh, chị Vì Văn Luyện - Xa Thị Chôm, chị Chôm chia sẻ: "Ngôi nhà của gia đình tôi đã có tuổi đời hơn 20 năm, tuy không phải là gỗ quý nhưng nếp nhà sàn 3 gian được lợp bằng lá cọ cùng nhiều dãy cột kèo mang đậm nét văn hóa lâu đời. Tôi tin rằng với bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày sẽ mở ra những hướng mới về phát triển kinh tế như làm du lịch cộng đồng... Khi đó, văn hóa của đồng bào Tày từ bao nhiêu đời nay sẽ được nhiều người biết đến”.
Đồng chí Xa Hữu Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Đắt cho biết: "Để xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Thu Lu còn rất nhiều việc phải làm. Mong rằng khi đi vào hoạt động, mô hình sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại; mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa du khách với cộng đồng, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, từ chính quyền xã và người dân địa phương rất mong mỏi mô hình du lịch cộng đồng sớm đưa vào hoạt động”.
Để thực hiện thành công mô hình du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày tại xóm Thu Lu, xã Giáp Đắt. Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng, phấn đấu để nơi đây trở thành điểm du lịch của huyện. Đồng thời xây dựng đề án quy hoạch, bảo tồn không gian văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch. Kỳ vọng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở và sự hưởng ứng từ người dân, một ngày không xa, xóm Thu Lu, xã Giáp Đắt sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Lê Minh Duy
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc)