Đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi từ chính sách đầu tư
Với cách làm quyết liệt, đồng bộ, Hà Nội đang từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc đạt 65 - 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,38%.
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), Thủ đô đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành 32/35 chỉ tiêu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu trong giai đoạn II (2025-2030), góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Kết quả này cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân tộc mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được cụ thể hóa trong Chương trình công tác số 08 của Thành ủy để tổ chức thực hiện.
Theo đó, giai đoạn I từ năm 2021-2025, Thành phố đã phê duyệt 174 dự án với tổng kinh phí gần 2.560 tỷ đồng. Đến nay, 156 dự án đã được bố trí vốn với số tiền trên 2.341 tỷ đồng, đạt gần 92% kế hoạch. Hạ tầng được đầu tư đã tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc đạt 65 - 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,38%.
Để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, hiện Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố đang phối hợp với 5 huyện, bao gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ triển khai rà soát, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành mục tiêu của Chương trình.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Phó Giám đốc phụ trách Sở Dân tộc và Tôn giáo Hà Nội cho biết: "Các địa phương cần căn cứ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch du lịch để đề xuất các dự án, tập trung vào hỗ trợ phát triển vùng sản xuất và kết nối đối với các khu du lịch, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả đầu tư địa bàn giai đoạn mới".
Với cách làm quyết liệt, đồng bộ, Hà Nội đang từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Kết quả đạt được không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.