Đồng bào dân tộc thiểu số Sóc Trăng thoát nghèo nhờ được tiếp cận vốn

Trong những năm qua, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hoàn cảnh gia đình khó khăn ở tỉnh Sóc Trăng nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Nhìn hơn 4.000 mét vuông đất được gia đình trồng 300 gốc chanh không hạt đang cho thu nhập rất ổn định, ông Dương Văn Dô ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm nhớ lại, 3 năm trước, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để chuyển đổi sản xuất, anh đã chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây chanh không hạt với sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp thông qua các lớp tập huấn, chỉ dẫn trực tiếp. Sau thời gian nỗ lực chăm sóc, chanh không hạt của gia đình từng bước phát triển tốt, cho thu nhập, đời sống gia đình cũng từ đó ổn định dần.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ đã thoát nghèo

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ đã thoát nghèo

Ông Dô nói: "Nhờ tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội được 70 triệu, tôi mạnh dạn đầu tư mô hình trồng chanh không hạt. Hiệu quả nên năm rồi tôi tiếp tục mở rộng thêm 1ha, mùa rẻ thì cũng thu từ 4-5 triệu/tháng, còn mùa nghịch thì 20-30 triệu. Trồng lúa kiếm lời một năm khoảng 5 triệu, còn trồng chanh này kiếm bình thường 30-40 triệu".

Nguồn vốn tín dụng đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng từng bước xây dựng được nhiều mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao, như: trồng chanh không hạt, nuôi lươn không bùn, nuôi ba ba, nuôi bò, trồng màu, trồng sen lấy ngó… Từ các mô hình giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Như gia đình chị Súc Thị Mỹ Lệ, người dân tộc Khmer ở ấp Phú Đức, xã Long Phú, huyện Long Phú, trước đây là hộ nghèo, không có đất sản xuất nên đời sống khá chật vật. Những năm trước, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội với lần lượt là 30 triệu đồng, 50 triệu đồng, rồi 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, chị đã mạnh dạn chọn mô hình trồng sen-nuôi bò để phát triển kinh tế.

Chị Súc Thị Mỹ Lệ thành công với mô hình trồng sen lấy ngó từ vốn vay ngân hành chính sách xã hội

Chị Súc Thị Mỹ Lệ thành công với mô hình trồng sen lấy ngó từ vốn vay ngân hành chính sách xã hội

Theo chị Lệ, nếu chỉ tính riêng mô hình trồng sen, chị thuê 10 công đất để trồng, chia thành 2 đợt trồng xen kẽ để thu hoạch quanh năm, đồng thời tự tạo nguồn giống để tái sản xuất. Sen cho thu hoạch 3 ngày một lần, những lúc cao điểm, chị thu từ 60-80kg ngó sen mỗi lần thu hoạch, giúp chị có nguồn thu nhập khá quanh năm. Cuộc sống của gia đình chị Lệ nay đã khấm khá.

"Đi làm mướn cho người ta, thấy mô hình trồng sen hiệu quả, tôi về cũng thuê đất trồng, lời hơn mình làm lúa. Trồng sen thì vất vả nhất là lúc thu hoạch, nhưng lợi nhuận cao, giúp gia đình có nguồn thu ổn định lo con cái ăn học", chị Lệ nói.

Những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác theo quy định. Đến nay tổng dư nợ tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng đạt trên 5.154 tỷ đồng, với trên 157.000 khách hàng còn dư nợ.

Nhiều hộ khó khăn được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất

Nhiều hộ khó khăn được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất

Bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng thông tin, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 43.000 lượt hộ, trong đó, hơn 1.400 hộ nghèo và 3.500 hộ cận nghèo, 10.500 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đồng thời, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện, hộ nghèo toàn tỉnh Sóc Trăng còn 2,56%, hộ cận nghèo còn 6,46%.

"Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia , trong đó tập trung hỗ trợ vốn cho các hộ tham gia dự án của tỉnh, các lao động sau đào tạo nghề nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn cũng như giúp công tác giảm nghèo của tỉnh ngày càng bền vững hơn", bà Trịnh Bích Tuyền nói.

Với việc thực hiện hiệu quả chủ trương của Ðảng và Nhà nước, thực sự “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” bằng những hành động cụ thể, thiết thực qua việc chuyển tải đồng vốn tín dụng chính sách đi vào cuộc sống và đến người dân một cách kịp thời, hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng, giúp tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh từng bước giảm dần.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dong-bao-dan-toc-thieu-so-soc-trang-thoat-ngheo-nho-duoc-tiep-can-von-post1101068.vov