Đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Thủ Đức phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo
Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo quốc gia, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM; tỷ lệ người DTTS được đào tạo nghề phù hợp và có thu nhập ổn định đạt 35-40%, trong đó ít nhất 50% là nữ… Đây là những mục tiêu cụ thể được đặt ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS TP Thủ Đức (TPHCM) lần thứ I.
Ngày 10/5, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) TP Thủ Đức lần thứ I - năm 2024, với 150 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 9.400 đồng bào DTTS của 29 dân tộc trên địa bàn TP Thủ Đức tham dự.
Theo báo cáo Đại hội, TP Thủ Đức hiện có 29 DTTS sinh sống với 4.082 hộ, hơn 9.400 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,8% tổng dân số của TP Thủ Đức. Những năm qua, đồng bào DTTS phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương đã phát huy mọi nguồn lực để chăm lo cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, tết của DTTS; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Tham dự Đại hội, nhiều đại biểu đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng, đề xuất để tạo điều kiện phát triển toàn diện, bền vững trong đồng bào DTTS, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.
Chị Linda Maryam, đại biểu dân tộc Chăm (Phước Long A, TP Thủ Đức, TPHCM), bày tỏ: "Trong Đại hội lần này, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS là dân tộc Chăm nói riêng và các dân tộc trên địa bàn nói chung có điều kiện học tập, hỗ trợ miễn giảm học phí, cấp học bổng để các em tiếp cận với tri thức, phát triển thành công dân có ích. Nhiều em học chưa hết cấp 2 đã phải nghỉ học giữa chừng, do gia đình không có điều kiện lo cho các em đi học. Thứ 2, những hộ gia đình chủ yếu là người Chăm nằm trong diện giải tỏa đường Song hành Xa lộ Hà Nội, các hộ ở trong các khu tạm cư cho thuê, tôi mong muốn chính quyền hỗ trợ cho các hộ được mua nhà trả góp giá rẻ, để họ an cư lạc nghiệp, con cái có điều kiện học hành. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn gửi gắm nguyện vọng về hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ DTTS trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh, hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm của phụ nữ dân tộc trên các kênh thương mại điện tử của thành phố".
Đại biểu Y Sa U Mơ, Trưởng ban Quản trị thánh đường Hồi giáo Jamiul Muwahidil, cho biết: "Tôi mong muốn trong kỳ Đại hội lần này là TP Thủ Đức xây dựng một trung tâm văn hóa của các dân tộc, ở đây sẽ giúp bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, không gian tổ chức lễ hội… Nếu không giữ gìn thì tôi sợ bản sắc văn hóa sẽ bị mai một. Mong muốn tiếp theo là xây dựng các lớp dạy tiếng dân tộc cho các dân tộc, cũng như các cán bộ quản lý dân tộc một cách bài bản, chuyên nghiệp".
Thông qua đại hội lần này, UBND TP Thủ Đức - Ban chỉ đạo công tác dân tộc TP Thủ Đức đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay chăm lo cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình, cá nhân đồng bào DTTS. Qua đó góp phần xây dựng TP Thủ Đức sớm trở thành đô thị có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo đó, Đại hội đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2029 như: Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào DTTS theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, 100% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 5%; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35% - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ…
Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc TPHCM, nhấn mạnh thêm một số vấn đề tại Đại hội: Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc. Hai là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn chỉnh, nâng chất những chính sách đã có và nghiên cứu đề xuất ban hành những chính sách mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đồng bào dân tộc. Thứ 3, phát huy vai trò người có uy tín của đồng bào DTTS trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Thứ 4, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận hướng dẫn, giúp đỡ và vận động đồng bào các DTTS tham gia có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Thứ 5, đề cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo của các thế lực phản động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Đại hội đã giới thiệu 12 đại biểu chính thức và 4 đại biểu dự khuyết tiêu biểu cho cộng đồng các DTTS TP Thủ Đức tham dự Đại hội đại biểu các DTTS TPHCM lần thứ tư. Dịp này, UBND TPHCM, Ban Dân tộc TPHCM và UBND TP Thủ Đức đã khen thưởng 50 tập thể và 47 cá nhân là gương điển hình tiêu biểu trong đồng bào DTTS.