Dòng Bảo Định nổi sóng chống xâm lăng
Vừa qua, loạt bài ký sự 'Xuôi dòng Bảo Định' đăng nhiều kỳ trên Báo Ấp Bắc đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Mới đây, chúng tôi đã nhận được bài viết của một cộng tác viên về chiến công của quân và dân Tiền Giang trên dòng kinh lịch sử này vào buổi đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, kinh Bảo Định gắn liền với chiến công của quân và dân ta vào năm 1861. Lúc bấy giờ, Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang) là một tỉnh đông dân, nhiều của; lại là “cửa ngõ” của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cho nên, thực dân Pháp sau khi đánh chiếm đại đồn Chí Hòa ở Gia Định (tháng 2-1861) đã tính đến việc tiến đánh tỉnh Định Tường, mục tiêu đầu tiên là thành Mỹ Tho.
Ngày 17-3-1861, tàu chiến Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm Vũng Gù (nay thuộc TP. Tân An, tỉnh Long An) và cửa Tiểu (nay thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nhằm thực thi kế hoạch tấn công thành Mỹ Tho từ hai hướng: Hướng thứ nhất, theo đường kinh Bảo Định xuống; hướng thứ hai, theo đường sông Tiền, từ cửa Tiểu lên.
Riêng tại mặt trận kinh Bảo Định, từ Vũng Gù đến Mỹ Tho, quân và dân tỉnh Định Tường đã đắp 9 cản hàn sông và xây dựng 5 đồn quân kiên cố nhằm đối phó với quân địch. Ngày 5-4-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha với 1 chiến thuyền lớn và 5 pháo hạm được trang bị nhiều đại bác bắt đầu tiến vào kinh Bảo Định. Trên đường hành tiến, quân giặc đã bị quân và dân tỉnh Định Tường chặn đánh liên tục. Mãi đến chiều ngày 9-4-1861, đoàn tàu chiến của địch mới tiến đến được một địa điểm ở gần Mỹ Tho.
Sáng ngày 10-4-1861, thực hiện mệnh lệnh của viên chỉ huy liên quân là đại tá thủy quân lục chiến Đuy-ki-lô (Duquilo), đại úy pháo binh Sốp-phô (Chauffaut) chỉ huy một toán quân gồm bộ binh Tây Ban Nha, 1 đại đội bộ binh và 1 đại đội thủy quân lục chiến người Pháp làm nhiệm vụ trinh sát thực địa, chuẩn bị cho việc tấn công thành Mỹ Tho. Toán quân này đi dọc theo bờ hữu ngạn kinh Bảo Định hướng vào trung tâm Mỹ Tho.
Trên đường đi, quân giặc bị một quả đạn súng thần công do quân ta bắn rơi vào đội hình, tuy không làm ai bị thiệt mạng hay bị thương, nhưng đã khiến bọn chúng hết sức hoang mang, hỗn loạn, vì không biết rõ đích xác quả đạn từ đâu bắn tới.
Trước sự việc đó, quân giặc phải bỏ dở cuộc hành quân trinh sát, quay trở về, rút xuống tàu chiến và các pháo hạm đang neo đậu ở giữa dòng kinh Bảo Định. Đến 15 giờ cùng ngày, mặc dù chưa rõ tình hình bố phòng của quân ta, nhưng với bản chất hung hăng, kiêu ngạo, xem thường đối phương của một tên sĩ quan thực dân, đại tá thủy quân lục chiến
Đuy-ki-lô (Duquilo) ra lệnh cho trung tá hải quân Buộc-đe (Bourdais) chỉ huy 3 đại đội bộ binh, thủy quân lục chiến với 300 binh lính và 4 pháo hạm nhổ neo xuôi dòng Bảo Định tiến về hướng thành Mỹ Tho; tiến đến Bến Chùa gần Trung Lương thì xảy ra trận đấu súng quyết liệt giữa súng thần công của quân ta và đại bác của quân địch.
Khi phát hiện đồn của quân ta, các pháo hạm của quân Pháp bắt đầu khai hỏa. Lập tức, quân ta bắn trả rất mãnh liệt. Chiếc pháo hạm chỉ huy bị bắn trúng 3 quả đạn thần công, trong đó có 1 quả đạn làm Buộc-đe chết ngay tại chỗ. Đây là một tổn thất lớn đối với liên quân Pháp - Tây Ban Nha, khiến chúng càng thêm hoang mang, dao động.
Về sự việc này, đại úy hải quân Léopold Pallu đã mô tả rất chi tiết trong quyển Lịch sử cuộc viễn chinh Nam kỳ năm 1861, như sau: “…Cả đoàn lên đường, pháo hạm số 18 dẫn đầu mang cờ hiệu của trung tá hải quân Buộc-đe, tiếp theo là các pháo hạm 16, 22, 31.
Pháo hạm số 20 bỏ neo ở lại, không theo đoàn tàu. Một lúc sau, có lẽ chính đồn địch (đồn thứ năm) mà chúng ta đã tìm kiếm từ hai ngày qua bắt đầu nổ súng. Các pháo hạm của chúng ta cứ nhắm hướng phỏng chừng mà bắn trả, rồi tiếp tục tiến lên. Chúng ta vẫn không biết đích xác đồn của địch ở đâu. Bất thình lình, đồn của địch hiện ra ngay trước mặt, chỉ cách đoàn tàu của chúng ta khoảng 400 mét, ngay ở khúc quanh của con kinh.
Pháo hạm số 18 đi đầu có mang cờ hiệu của trung tá hải quân Buộc-đe bắn một quả đạn. Đồn của đối phương liền bắn trả ba quả; và cả ba quả đạn này đều đạt kết quả: Một quả rớt trên tàu, một quả làm bị thương một binh lính, một quả làm bay mất quả tim và cánh tay trái của trung tá hải quân Buộc-đe làm ông chết tại trận...”.
Dòng Bảo Định vốn hiền hòa nhưng đã nổi sóng căm hờn trước sự xâm lược của quân Pháp, làm nên một chiến công oanh liệt của quân và dân tỉnh Định Tường trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trung tá hải quân Buộc-đe đã phải đền tội trên dòng Bảo Định lịch sử. Đây là tên sĩ quan thực dân cao cấp đầu tiên bị chết trận trong quá trình xâm lược nước ta của thực dân Pháp.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận chiến thắng Cầu Giấy (Hà Nội) lần thứ 1 năm 1873 với cái chết của tên đại úy Phơ-răng-xi Gạc-ni-ê (Francis Garnier), chiến thắng Cầu Giấy (Hà Nội) lần thứ 2 năm 1883 với cái chết của tên thiếu tá hải quân Hăng-ri Ri-vi-e (Henri Rivìere), thì chiến công của quân và dân tỉnh Định Tường năm 1861 trên dòng Bảo Định sống mãi với non sông gấm vóc Việt Nam.