Đồng bào DTTS ở Lộc An 'sống khỏe' nhờ cây lúa

Với 6 sào ruộng trồng giống lúa OM4900 đang vào giai đoạn trổ bông, ông Điểu Coi ở ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh ước tính sản lượng có thể đạt hơn 3 tấn. Những ngày này, gia đình ông đang chờ thu hoạch vụ lúa đầu tiên của năm. Do thời tiết khá thuận lợi, cộng với sự chăm chỉ học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác nên nhìn những bông lúa trĩu nặng trên đồng, ông Điểu Coi đoán chắc năm nay sẽ được mùa.

Hơn 20 năm trồng lúa nước nhưng ông cho biết quá nửa thời gian làm theo kiểu truyền thống của đồng bào, là chọc lỗ bỏ hạt giống rồi đợi đến ngày thu hoạch. Năng suất thấp đồng nghĩa với thiếu đói quanh năm nên ông bắt đầu tìm tòi học hỏi áp dụng khoa học, kỹ thuật vào gieo trồng. “Mình bắt đầu học hỏi từ người bán phân bón, rồi bà con hàng xóm, mỗi người chỉ cho chút kinh nghiệm. Mới đầu mình làm không hiệu quả. Một năm, hai năm thất bại, mình cứ rút kinh nghiệm dần rồi sẽ đạt thôi. Giờ thì mình làm theo kinh nghiệm nên tốt rồi” - ông Điểu Coi chia sẻ quá trình thay đổi cách trồng lúa của mình.

Ông Điểu Coi thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại cây lúa

Hiện từ cách chọn giống đến làm đất, bón phân, ông đều đã am tường và rất cẩn thận thực hiện trên ruộng lúa. Riêng cách chọn giống của ông cũng khác. Chọn được giống tốt, ưng ý thì ông duy trì nhiều vụ, chứ không thay giống mới liên tục. Từng giai đoạn lúa phát triển, ông đều thông thạo và thời điểm nào cần bón gì, bón như thế nào, giờ ông đã thuộc nằm lòng. Ông tự hào khoe kinh nghiệm: “Giống lúa là lúa của mình, muốn biết chất lượng hay không, lấy thùng phuy đổ lúa ngâm 24 giờ để biết hạt chắc, hạt lép, nếu hạt lép vớt bỏ ra, mới đem đi ngâm ủ trong vòng 36 giờ. Để lúa lên mầm dài hay ngắn thì tùy theo chân ruộng”.

Các cấp chính quyền đánh giá rất cao tinh thần ham học hỏi của ông Điểu Coi, nhất là về kỹ thuật gieo trồng lúa. Ruộng lúa của gia đình ông luôn cho năng suất rất cao. Tôi mong rằng sẽ có nhiều người cùng học hỏi cách làm này của ông Điểu Coi để lúa đạt năng suất cao và ổn định.

Ông Điểu Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An

Ông Điểu Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết, ấp 54 có cánh đồng lúa rộng lớn với diện tích hơn 100 ha. Bà con đồng bào ở đây bao đời trồng lúa nước, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng trước đây vẫn thiếu đói. Xác định phát triển lúa nước giúp người dân ổn định lương thực tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chính quyền địa phương vận động bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng cho đồng ruộng của mình. Ngoài đưa những giống lúa mới thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, hội còn chú trọng khơi gợi sự tìm tòi, sáng tạo, học hỏi của chính người dân qua những tấm gương điển hình tại địa phương. Câu chuyện học làm lúa thoát đói, giảm nghèo của ông Điểu Coi đã góp thần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, năng suất và chất lượng lúa ở Lộc An ngày một tăng lên. Nông dân vùng dân tộc thiểu số ở xã biên giới này giờ đây không chỉ tự tin canh tác, đảm bảo nguồn lương thực mà còn có dư để bán. Với giá lúa bình quân từ 7.000-8.000 đồng/kg đã giúp nhiều hộ dân không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn phát triển kinh tế khấm khá hơn.

Thân Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/50/128062/dong-bao-dtts-o-loc-an-song-khoe-nho-cay-lua