Đồng bào Khmer phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ để thoát nghèo

Qua tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 11.000 hộ nghèo (chiếm 2,57%), trong đó hơn 3.100 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 4,7%).

Ông Danh Ngọc Sinh, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được hỗ trợ hơn 60 triệu đồng xây nhà ở, đầu tư cho nước sạch, vốn sản xuất để thoát nghèo. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Danh Ngọc Sinh, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được hỗ trợ hơn 60 triệu đồng xây nhà ở, đầu tư cho nước sạch, vốn sản xuất để thoát nghèo. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 15% tổng số dân toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào Khmer chiếm trên 13% dân số, với hơn 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu (đông thứ ba ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh triển khai nhiều dự án, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng.

Thoát nghèo nhờ hỗ trợ của Nhà nước

Xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng) có hơn 2.400 hộ với gần 12.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 1.300 hộ Khmer, chiếm hơn 55%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đẩy mạnh đầu tư xây dựng; đến nay đã hoàn thiện hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Đặc biệt, công tác hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo được địa phương chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer nói chung, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.

Ông Danh Riêng, ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng cho biết, trước đây gia đình ông thuộc hộ nghèo, không có đất ruộng sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề lao động tự do, thu nhập bấp bênh, nhà ở xuống cấp xiêu vẹo có thể đổ ngã bất cứ lúc nào. Xét thấy hoàn cảnh của gia đình, xã đã hỗ trợ 46 triệu đồng để gia đình ông cất nhà mới, 12 triệu đồng đầu tư cho nước sạch. Đồng thời, gia đình ông được trao phương tiện sản xuất gồm: vỏ, máy và 10 chiếc lú (dụng cụ đặt bắt cá) với kinh phí hơn 10 triệu đồng theo quy định dành cho hộ nghèo Khmer để gia đình có điều kiện tham gia lao động sản xuất.

“Có nhà ở vững chắc, gia đình tôi rất phấn khởi và yên tâm lao động. Với số vốn và phương tiện được hỗ trợ, nhà tôi mua 4 con lợn giống để vợ tôi chăn nuôi, riêng tôi thì dùng vỏ máy đi các cánh đồng đặt lú bắt thủy sản; lúc nhàn rỗi đi làm thêm ở lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để có thêm thu nhập lo cho 2 con học hành, sau này có tương lai tốt đẹp hơn”, ông Riêng nói.

Cũng là một trong những hộ nghèo Khmer có tinh thần siêng năng lao động, gia đình ông Danh Ngọc Sinh, ấp Láng Sen, xã Bàn Thạch vừa thoát nghèo trong năm 2023 và hiện đang là hộ cận nghèo của xã. Ông Sinh cho biết, vợ chồng ông có 3 người con từ 6 đến 10 tuổi và cả 3 đều được đến trường học tập. So với 3 - 4 năm trước, cuộc sống gia đình gần đây đã ổn định hơn nhờ được hỗ trợ nhà ở, vốn và phương tiện sản xuất.

Ông Danh Riêng, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được hỗ trợ phương tiện khai thác thủy sản. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Danh Riêng, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được hỗ trợ phương tiện khai thác thủy sản. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Danh Ngọc Sinh chia sẻ: Năm 2022, gia đình ông được hỗ trợ hơn 40 triệu xây nhà, 12 triệu đồng đầu tư cho nước sạch và đầu năm 2024, gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng làm vốn chăn nuôi lợn, gà, vịt; được tặng 5.000 con ếch giống để nuôi. Hiện tại, bên cạnh chăm sóc các vật nuôi, ông tranh thủ thời gian đi làm phụ hồ để có thêm thu nhập lo chi phí học tập của các con và mua thức ăn chăn nuôi; vợ ông ở nhà vừa chăm con vừa trông coi các mô hình sản xuất. Nhà nước đã chăm lo, hỗ trợ rất nhiều, phần còn lại là do nỗ lực của gia đình. Ông luôn quý trọng mọi sự giúp đỡ và cố gắng lao động sản xuất để vươn lên thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo trong năm 2025.

Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách

Ông Huỳnh Khai Sị, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Thạch cho biết, những năm gần đây, việc thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer đã góp phần cùng địa phương bảo đảm an sinh xã hội. Để công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer được hiệu quả, xã chú trọng công tác rà soát và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, điều kiện của từng hộ gia đình để triển khai công tác hỗ trợ sát thực, đảm bảo phát huy nguồn vốn, phương tiện được hỗ trợ. Đồng thời, xã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân vươn lên, hăng say lao động, sản xuất.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số. Đồng bào Khmer ở Kiên Giang sống tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, An Biên, thành phố Hà Tiên, Giang Thành…

Đến nay, toàn tỉnh có 19/116 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường giao thông đến trung tâm xã, có trạm y tế. Số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,8%; số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84%; 40/40 xã vùng đồng bào dân tộc Khmer được công nhận là xã nông thôn mới.

Qua tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh Kiên Giang có hơn 11.000 hộ nghèo (chiếm 2,57%), trong đó hơn 3.100 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 4,7%). Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5-2%; phấn đấu 50% xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang được Trung ương giao hơn 388 tỷ đồng, riêng năm 2023 là trên 157 tỷ đồng. Ðến nay, tỉnh đã phân bổ đạt 100% kế hoạch. Hằng năm, tỉnh có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào Khmer, tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động.

Ông Danh Ngọc Sinh, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được hỗ trợ 5.000 con ếch giống để chăn nuôi thoát nghèo. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Ông Danh Ngọc Sinh, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) được hỗ trợ 5.000 con ếch giống để chăn nuôi thoát nghèo. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Những năm qua, tỉnh đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.

Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển giáo dục ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer; kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng dân tộc thiểu số, công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với học sinh, sinh viên, tỉnh và ngành giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và nhiều chính sách hỗ trợ khác giúp học sinh, sinh viên yên tâm học tập, tỷ lệ bỏ học các cấp hằng năm dưới 7%. Cùng với đó, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật, “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào Khmer. Tỉnh Kiên Giang hiện có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả.

“Từ sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực cùng chính quyền địa phương ra sức xây dựng quê hương, đất nước. Kiên Giang

đề ra mục tiêu phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến cuối năm 2025 tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (hơn 70 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1,5-2%/năm, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn”, ông Danh Phúc nhấn mạnh.

Văn Sĩ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-bao-khmer-phat-huy-hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-de-thoat-ngheo/346473.html