Đồng bào Khmer rộn ràng đón giao thừa
Tối qua, vào lúc 22 giờ 24 phút, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng đã chính thức bước vào năm mới với nhiều nghi thức độc đáo mang đậm nét truyền thống Phật giáo Nam tông. Trong đó, có nghi thức đón Chư Thiên (đón giao thừa) là một trong nghi thức đặc sắc của đồng bào dân tộc.
Để xác định thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Khmer có cách tính riêng, đó là dựa vào đại lịch (Maha sangkran). Đây cũng chính là thời gian tính cho ngày Tết Chôl Chnăm Thmây. Qua đó, thời khắc đón giao thừa trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây hằng năm của người Khmer cũng được tính từ đây với nhiều nghi thức liên quan đến Phật giáo, trong đó có nghi thức rước đại lịch.
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng dân tộc Khmer năm 2024 diễn ra vào lúc 22 giờ 24 phút, bắt đầu từ thứ Bảy, ngày 13/4/2024 và kéo dài đến thứ Ba 16/4/2024 dương lịch (nhằm ngày mùng 5-8/3 âm lịch). Tuy không cố định về thời gian như Tết Nguyên đán của người Kinh, người Hoa, nhưng trong ngày đầu của Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, người Khmer mặc trang phục truyền thống, mang theo lễ vật gồm nhang đèn, bánh trái, hoa quả…, tập trung vào chùa đón năm mới. Mọi người ngồi chắp tay cầu nguyện trước bàn thờ Thiên trước sân chùa.
Ngay thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những tiếng trống, tiếng cồng, nhạc ngũ âm… vang lên, nghi thức rước đại lịch cũng diễn ra dưới sự hướng dẫn của vị achar (người uy tín trong bổn đạo) hoặc trụ trì chùa. Trong suốt thời gian diễn ra nghi thức rước đại lịch, tiếng trống, tiếng cồng vang lên liên hồi, rộn rã, như thúc giục đồng bào Phật tử từ các phum sóc nối tiếp nhau tề tựu về chùa đón năm mới.
Những gia đình không tham gia rước đại lịch tại chùa cũng có thể thực hiện hiện nghi thức đón năm mới tại gia đình. Bà con tự lập bàn thờ trước sân nhà với nhiều lễ vật truyền thống. Cả nhà tập trung thắp nhang đèn, cầu nguyện năm mới gặp may mắn trong cuộc sống.
Tại chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (Cà Mau) rất đông bà con tập trung tại trước sân chùa, chờ thời khắc quan giao thừa.
Bà Hữu Thị Nga (dân tộc Khmer) ấp Đường Đào cho biết: “Tôi không tổ chức đón giao thừa tại nhà mà cùng gia đình vào chùa cho không khí ấm áp hơn. Sau khi đón giao thừa xong, trong lòng cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được các nhà sư chúc phúc trong dịp đầu năm mới”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dong-bao-khmer-ron-rang-don-giao-thua-a32080.html