Đồng bào ở Hoàng Su Phì thoát nghèo nhờ cây dược liệu

Thảo quả là loại dược liệu quen thuộc với người dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây phù hợp để tạo nên những sản phẩm thảo quả chất lượng tốt.

Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ quanh năm lại có rừng già, khe suối nhiều, độ ẩm cao phù hợp cho cây thảo quả phát triển. Người dân đồng bào nơi đây trồng Thảo quả dưới tán rừng không chỉ để tăng thu nhập mà còn gắn liền với việc bảo vệ rừng.

Được biết đến là một trong những xã sở hữu diện tích thảo quả lớn nhất huyện Hoàng Su Phì, người dân xã Hồ Thầu không chỉ biết trồng thảo quả dưới những tán rừng mà còn kết hợp các vườn ươm để bán cây giống cho các hộ trong xã và các xã lân cận. Gia đình ông Lê Văn Thảo đã có thu nhập mỗi năm trên một tỷ đồng nhờ việc trồng và bán cây giống thảo quả.

Mùa thu hoạch thảo quả thường rơi vào tháng 8-9 hàng năm. Ảnh: Minh Ngọc

Mùa thu hoạch thảo quả thường rơi vào tháng 8-9 hàng năm. Ảnh: Minh Ngọc

Đồng bào người Mông, Cờ Lao và Dao áo dài sống ở sườn dãy Tây Côn Lĩnh thuộc xã Tùng Sán cũng đã trồng xen canh thảo quả dưới những tán rừng. Thổ nhưỡng nơi đây màu mỡ, kết hợp với khí hậu ẩm ướt rất phù hợp để trông thảo quả cho chất lượng cao. Trước đây, thảo quả chỉ dùng để làm gia vị hay dùng trong các bài thuốc gia truyền. Thế nhưng, nhờ biết phát triển tiềm năng dược liệu, gần đây các lái buôn đã tìm đến xã Tùng Sán để thu mua thảo quả với giá trị cao.

Năm 2022, thu nhập từ thảo quả đã mang đến lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng cho các hộ nông dân trong xã. Tiêu biểu trong đó là gia đình ông Sùng Seo Cáo (thôn Chúng Phùng) sở hữu 8ha diện tích trồng đạt sản lượng 6,37 tấn đã đem về cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn xã Tùng Sán đạt thu nhập trên 4 tỷ đồng từ 220ha thảo quả với thu hoạch 120 tấn.

Xác định thảo quả là một trong những dược liệu thế mạnh của huyện, nhiều cơ sở chế biến nông sản đã đầu tư máy móc, công nghệ và thử nghiệm thành công chiết xuất tinh dầu thảo quả góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra. Không những vậy, các sản phẩm này còn được bày bán, quảng bá tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh được nhiều khách hàng quan tâm.

Bà con các dân tộc Nùng, Dao, Mông các xã trên sườn dãy Tây Côn Lĩnh ở huyện Hoàng Su Phì lại tấp nập vào rừng thu hái Thảo quả. Ảnh: Minh Ngọc

Bà con các dân tộc Nùng, Dao, Mông các xã trên sườn dãy Tây Côn Lĩnh ở huyện Hoàng Su Phì lại tấp nập vào rừng thu hái Thảo quả. Ảnh: Minh Ngọc

Việc người dân tộc đồng bào nơi đây nhờ dược liệu để thoát khỏi cái nghèo là hướng đi đúng đắn. Điều này không chỉ góp phần thay đổi cán cân thu nhập trong cơ cấu cây trồng cho đồng bào dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì mà còn góp phần thay đổi tích cực thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, việc trồng dược liệu cũng được gắn liền với việc bảo vệ rừng và mở rộng diện tích rừng theo hướng cộng sinh. Hơn nữa việc chế biến, nâng cao chất lượng đầu ra sản phẩm cũng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Có thể thấy, thảo quả là cây dược liệu quý, đem lại giá trị kinh tế cao, hơn nữa còn giúp người dân tộc đồng bào ở Hoàng Su Phì thoát nghèo. Diện tích trồng thảo quả ở đây khá lớn, mang đến thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, để vừa phát triển vừa bảo tồn dược liệu thảo quả cũng là một thách thức đối với địa phương có rừng già và rừng phòng hộ.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-bao-o-hoang-su-phi-thoat-ngheo-nho-cay-duoc-lieu-169231030122841382.htm