Đồng bào Rơ Ngao vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương

Với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) đã vào cuộc đồng bộ với những cách làm hiệu quả, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, thiết thực, giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Huyện Đắk Tô có dân số 53.266 người (12.900 hộ) với 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm 50,17%. Toàn huyện có 1.455 hộ DTTS nghèo, chiếm 26,46%; 698 hộ DTTS cận nghèo, chiếm 10,78% so với hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Lựa chọn hộ dân trên địa bàn để xây dựng các mô hình cho bà con học và làm theo là một trong những cách làm mà cấp ủy, chính quyền nơi đây triển khai, từ đó giúp cuộc sống nhiều hộ dân thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng lên.

Ông A BLút trước căn nhà mới xây của gia đình.

Ông A BLút trước căn nhà mới xây của gia đình.

Chúng tôi đến thăm ông A Blút, Trưởng thôn Đăk Kang Peng (xã Diên Bình), một trong những gương điển hình người dân tộc Rơ Ngao. Ông A Blút chủ động học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, nhân rộng đàn bò lên 10 con và chăn nuôi đàn heo. Phân hữu cơ từ chăn nuôi, gia đình anh ủ, bón cho hơn 2ha cây cà phê, 3ha cao su. Ngoài ra, anh trồng thêm 200 cây sầu riêng xen canh trong rẫy cà phê; đồng thời đầu tư mua một chiếc xe công nông để phục vụ nhu cầu vận chuyển của gia đình và bà con trong thôn. Từ các nguồn trên, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn giúp các hộ gia đình trong thôn biết áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì sang cà phê, cao su, hiện nay trồng mới cây mắc ca, sầu riêng... Nhiều hộ học hỏi từ gia đình anh cũng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương như hộ A Mãi, A Ma Rơ..., thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Hầu hết các hộ dân đều có diện tích trồng cây cà phê, cao su, trong đó có 66/228 hộ dân có diện tích cà phê, cao su 1-3ha đang thu hoạch. Năm 2022, có 30 hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ thực hiện mô hình trồng cây mắc ca với hơn 25ha trên diện tích đất rừng. Tỷ lệ hộ nghèo từ đó giảm dần: Năm 2020 có 124 hộ nghèo, cận nghèo; đến năm 2022 giảm còn 82 hộ nghèo, cận nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông A Blút chia sẻ: “Làng Đăk Kang Peng có 99% là người dân tộc Rơ Ngao, trước kia chỉ biết canh tác lạc hậu, lối sống và suy nghĩ hạn chế. Sau khi được tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên trong sản xuất và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Muốn tuyên truyền cho bà con trong thôn hiểu, làm theo cuộc vận động, mình là trưởng thôn thì mình cần làm trước, từ đó bà con mới làm theo mình”. Cũng theo ông A Blút, để thoát nghèo, điều đầu tiên là bản thân mỗi người phải siêng học cách làm kinh tế của những người giỏi hơn mình, rồi áp dụng phù hợp với điều kiện của gia đình; đồng thời, biết tận dụng những dự án, chính sách hỗ trợ dành cho người nghèo. Bên cạnh đó, Ban Nhân dân của thôn cũng phải thường xuyên phối hợp với cán bộ, đảng viên, người có uy tín làm tốt công tác tuyên truyền, giúp đỡ khi người dân gặp khó khăn; trong công tác tuyên truyền phải biết tiếng đồng bào thì sẽ hiệu quả hơn”.

Cũng như ông A Blút, ông A Thơ, Trưởng thôn Kon Tu Dốp 1 (xã Pô Kô) là gương điển hình người đồng bào dân tộc Rơ Ngao, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương, thường xuyên vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Ông A Thơ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong làng thu nhập chủ yếu từ trồng mì, sau đó, nhờ công tác tuyên truyền, vận động đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã có 3.000 cây cà phê và 3ha cây cao su đang cho thu hoạch. Sắp tới, tôi dự kiến trồng mới 1.500 cây cao su (khoảng 1,5ha). Tổng thu nhập hằng năm của gia đình tôi từ 200 đến 250 triệu đồng, đời sống đã cải thiện hơn trước rất nhiều”.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Đắk Tô đã có 1.305 hộ DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tỷ lệ hộ DTTS nghèo, cận nghèo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đạt 33,66%; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS năm 2022 giảm 6,02%/năm so với năm 2021.

Đồng chí Bùi Tiến Lý, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Tô cho biết: "Qua việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, trên địa bàn huyện Đăk Tô đã có nhiều gương điển hình người DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình. Trong thời gian tới, cấp ủy các cấp tiếp tục lựa chọn, nhân rộng, lan tỏa các gương điển hình tiêu biểu, các mô hình hay, hiệu quả cho các thôn, làng trên địa bàn huyện học tập, bởi đó là những minh chứng sinh động nhất giúp từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS nghèo, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững trên mảnh đất quê hương mình”.

Bài và ảnh: HỒ MAI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/dong-bao-ro-ngao-vuon-len-lam-giau-tren-manh-dat-que-huong-745971