Đóng BHXH chưa đủ 15 năm, người lao động nên làm gì để hưởng lương hưu?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2024, sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025, đã thay đổi quy định về điều kiện hưởng lương hưu so với Luật BHXH 2014. Theo đó, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe trong suốt quá trình hưởng lương hưu.

Theo BHXH Việt Nam, quy định này được áp dụng đối với cả những người đã tham gia BHXH từ trước ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực.

Đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu

Luật BHXH năm 2024 quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên, được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người bắt đầu tham gia BHXH muộn, hoặc tham gia không liên tục, có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định tại Luật BHXH 2014) để được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận 'một cửa' của BHXH quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: XC

Người dân đến giao dịch tại bộ phận 'một cửa' của BHXH quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: XC

Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn 15 năm thì được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng cao hơn do đóng BHXH thời gian dài. Cụ thể, về mức lương hưu hằng tháng, đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Mặt khác, quy định này của Luật BHXH sửa đổi còn hấp dẫn, khuyến khích người lao động duy trì thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần giảm số người rút BHXH một lần. Từ đó, tạo cơ hội cho tất cả người lao động khi hết tuổi lao động đều có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu và có thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe.

Làm gì khi đóng chưa đủ 15 năm

Thứ nhất, trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu (chưa đủ 15 năm đóng BHXH) nên tiếp tục tham gia BHXH để có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia BHXH, người lao động được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn do các chế độ đều tính theo thời gian đóng như chế độ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn (về điều kiện số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu là 15 năm thay vì 20 năm như quy định hiện hành);

Trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng còn được quỹ BHXH đóng BHYT, chi trả các khoản phí khám bệnh, chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Thứ hai, trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu (nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu thời gian đã đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng chế độ như sau: Hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng BHXH của mình. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người hưởng được ngân sách nhà nước đóng BHYT; khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện theo quy định.

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-sach-bhxh-bhyt/dong-bhxh-chua-du-15-nam-nguoi-lao-dong-nen-lam-gi-de-huong-luong-huu-20250414103534144.htm