Đồng bộ các giải pháp

Việc thu gom, xử lý rác thải còn bất cập ở hầu hết các địa phương, gây nên sự lo lắng, bức xúc của dư luận xã hội về công tác bảo vệ môi sinh. Các ý kiến trao đổi với Hà Nội Ngày nay về vấn đề nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội đều nhấn mạnh đến yêu cầu kết hợp đồng bộ các giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện những giải pháp đó với quyết tâm cao nhất.

Ông Bùi Thế Công, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức:
Giám sát chặt công tác thu gom, vận chuyển rác

Để xử lý triệt để tình trạng tồn đọng rác thải ở vùng nông thôn, chúng tôi đề xuất: Thành phố giao cho các xã, thị trấn giám sát, kiểm tra việc thực hiện các gói thầu của đơn vị vệ sinh môi trường. Trong trường hợp các đơn vị này chậm thu gom, vận chuyển, địa phương lập biên bản, kiên quyết xử phạt theo quy định hoặc không duyệt quyết toán khối lượng... Cơ quan chức năng cũng cần xử phạt thật nặng đối với các công ty vệ sinh môi trường thực hiện chưa đúng hợp đồng, thường xuyên chậm vận chuyển rác thải đi xử lý, gây ô nhiễm môi trường...

Trong hồ sơ đấu thầu việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn trong thời gian tới, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh việc thu gom, vận chuyển rác đi xử lý trong ngày, không để rác ở các điểm tập kết, tồn đọng trong khu dân cư, ven đường giao thông... Nếu đơn vị đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải mà vi phạm thì sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí đề xuất chấm dứt hợp đồng; mục đích là nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn luôn sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí xây dựng, bảo vệ môi trường.

Ông Đỗ Văn Minh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Quang (huyện Ba Vì):
Ðề nghị đầu tư nhằm tăng phương tiện, tần suất vận chuyển rác

Xã Minh Quang có 15 thôn, hơn 3.400 hộ với hơn 14.600 nhân khẩu, mức phí thu gom, vận chuyển rác thải 3.000 đồng/người/tháng. Mỗi thôn có từ 1 - 3 điểm tập kết rác. Nhân dân trong xã đã ý thức rất rõ về lợi ích của việc thu gom, xử lý rác thải đúng quy định và 100% hộ chấp hành tốt. Tuy nhiên, bất cập lại nằm ở khâu vận chuyển rác của công ty vệ sinh môi trường, có khi họ để rác tồn đọng cả tuần tại các điểm tập kết, gây búc xúc trong nhân dân và làm ô nhiễm môi trường.

Chính quyền và nhân dân địa phương kiến nghị thành phố đầu tư tăng phương tiện, tần suất vận chuyển rác và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của đơn vị vận chuyển rác thải. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nếu họ không đủ năng lực thì phải kịp thời thay thế bằng đơn vị khác.

Ông Nguyễn Gia Khoa, Phó Bí thư Đoàn xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ):
Tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền và hoạt động của các tổ tự quản

Việc thu gom, tập kết, vận chuyển và xử lý rác thải hiện chưa đạt yêu cầu. Riêng với việc thu gom, tập kết rác thải ở địa bàn nông thôn thì sự hạn chế xuất phát trước hết từ nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ của người dân. Khi người dân còn vi phạm quy định về địa điểm, thời gian tập kết rác thì công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa đạt yêu cầu, phải kịp thời chấn chỉnh. Để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải ở vùng nông thôn, cần tổng hợp đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải do Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tổ chức, qua đó chọn lựa mô hình tối ưu để nhân rộng. Đó là cách tác động hiệu quả đến nhận thức của người dân để khẩu hiệu “Cùng chung tay làm sạch môi trường sống” trở thành hành động tự giác, thiết thực của mỗi người.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn:
Cơ giới hóa việc thu gom rác thải

Thị trấn Sóc Sơn là trung tâm của huyện với 1.283 hộ và hơn 5.300 nhân khẩu, ngoài ra còn có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đứng chân trên địa bàn. Trước đây, việc duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên hiệu quả chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được giải quyết triệt để.

Trước tình hình đó, Đảng ủy đã chỉ đạo UBND thị trấn phối hợp với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Sóc Sơn triển khai thí điểm mô hình “Cơ giới hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt”. Áp dụng mô hình này đã khắc phục được những bất cập trước đây, 100% lượng rác được vận chuyển, xử lý trong ngày; không còn hiện tượng rác phát sinh trên đường; khắc phục tình trạng xe gom gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường ở các điểm tập kết; giảm sức lao động của công nhân thu gom. Song, cái được lớn nhất chính là ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã từng bước được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc duy trì vệ sinh bằng cơ giới đã được thực hiện trên 279km giao thông trên địa bàn.

Trung Minh - Ngọc Huân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/986176/dong-bo-cac-giai-phap