Tìm sứ mệnh mới cho… rác

Mỗi năm, người dân Việt Nam thải ra môi trường hàng triệu tấn rác, trong đó rất nhiều rác có thể tái chế được. Thời gian qua, việc tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích được người dân áp dụng khá nhiều. Những sáng tạo ấy không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng mà quan trọng hơn cả là chúng ta đang tìm ra một sứ mệnh mới cho… rác.

Những chiếc vỏ xe máy, xe ôtô đã qua sử dụng được gia đình chị Lê Thị Hồng Xuyến ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài mua lại từ chỗ bán vỏ xe cũ. Sau khi lựa chọn và tập hợp lại, chị nhờ thợ thiết kế và thi công thành một khu vui chơi miễn phí cho trẻ em. Những chiếc vỏ xe sờn, cũ sau khi được sơn những gam màu bắt mắt và lắp ráp vào vị trí phù hợp đồng nghĩa với việc chúng được chuyển đổi công năng, trở thành những thiết bị khác nhau ở khu vui chơi. Nhiều hạng mục đơn giản nhưng lại có thể khơi dậy sự tò mò khám phá, giúp các bé phát huy tối đa sự hiếu kỳ và trải nghiệm.

Các cô giáo đang làm dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ từ rác tái chế - Ảnh: Từ Huy

Chị Xuyến cho biết, có nhiều lý do để mình sử dụng lại lốp xe cũ. Thứ nhất là giảm giá thành, tiết kiệm chi phí đầu tư cho không gian vui chơi. Thứ hai là khi các con đến đây vui chơi, khám phá sẽ ý thức về việc tận dụng rác thải có thể tái chế được thành nhiều vật dụng hữu ích.

Theo chia sẻ của một số giáo viên ở các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, đầu năm học mới các trường thường kiểm tra, xây dựng nhiều góc học tập ở mỗi lớp dành cho trẻ. Đồ dùng học tập phần lớn được các cô chọn lọc từ những lon nước ngọt, hộp bánh, bìa carton, chai nhựa còn mới và sạch do mình thu gom được để tái chế. Sau khi chọn lựa, tất cả được các cô giáo sơn màu, cắt dán, xử lý, tạo thành những vật dụng, mô hình đẹp mắt. Từ những dụng cụ học tập này các cô sẽ dán lên tường theo chủ đề để trẻ có được những góc học tập xinh xắn và phù hợp lứa tuổi.

Cô Lã Thị Oanh, giáo viên Trường mầm non Đồng Tiến, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú chia sẻ: Chúng tôi sử dụng những vật liệu tái chế để làm đồ dùng, đồ chơi, qua đó giáo dục các con biết bảo vệ môi trường, sử dụng đồ dùng, đồ chơi hay đồ sinh hoạt hằng ngày của mình một cách tiết kiệm và biết giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ.

Nguồn rác có thể tái chế rất dễ tìm, có trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, mỗi cơ sở. Chỉ cần chúng ta lưu tâm tích lũy và xử lý phù hợp, thì rác thải đã có “đời sống” khác, nhiệm vụ khác. Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên Trường mầm non Hướng Dương, TP. Đồng Xoài cho biết: Để có thể làm được những dụng cụ học tập hay đồ chơi cho các bé, chúng tôi thường xem hướng dẫn trên YouTube, học hỏi ở các trường bạn hoặc tự sáng tạo. Chỉ cần một chút khéo léo trong cắt, dán và tạo hình là có thể tạo nên những sản phẩm gần gũi với trẻ.

Vòng đời mới, sứ mệnh mới của những vỏ xe cũ trong một khu vui chơi dành cho trẻ em

Vòng đời mới, sứ mệnh mới của những vỏ xe cũ trong một khu vui chơi dành cho trẻ em

Một số góc học tập dành cho trẻ mầm non được ra đời từ nguyên liệu chính là rác tái chế

Một số góc học tập dành cho trẻ mầm non được ra đời từ nguyên liệu chính là rác tái chế

Từ những loại rác thải tưởng chừng chỉ dùng để bán ve chai với giá trị rất thấp, nhưng khi được con người mày mò, nghiên cứu thì những vật dụng ấy hoàn toàn có thể trở thành đồ dùng hữu ích. Và từ đó rác có một vòng đời khác, giá trị hơn rất nhiều. Và điều hữu ích hơn cả là góp phần giáo dục người dân ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động thực tế nhất.

Ly Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162652/tim-su-menh-moi-cho-rac