Đồng bộ các giải pháp hướng tới việc làm bền vững
Nhằm nâng cao đời sống cho công nhân lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành Chỉ thị về 'Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động', qua đó xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vẫn còn 65,6% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thực hiện Quy chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chính phủ cũng sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 về hệ thống thang, bảng lương và định mức lao động; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất” và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 08/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg, giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Thực hiện Quy chế phối hợp, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan đã phối hợp xây dựng phương án tiền lương tối thiểu vùng để đưa ra thảo luận tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia, làm cơ sở để Chính phủ quyết định tiền lương tối thiểu vùng hằng năm, với mức tăng bình quân năm sau cao hơn năm trước, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động. So với năm 2015, tiền lương tối thiểu vùng (trung bình 4 vùng) năm 2020 tăng gấp gần 1,43 lần. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Quý IV năm 2020, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (lương cơ bản) của công nhân lao động là 5,22 triệu đồng/tháng; tiền lương làm thêm giờ là 934.000 đồng/tháng; tổng tiền thưởng, chuyên cần là 2,1 triệu đồng/tháng; tổng thu nhập thực tế là khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.
Tiền lương tháng thực nhận của công nhân lao động phân theo vùng lương trung bình giao động từ 6,860 - 8,301 triệu đồng/tháng; vùng 1 là 8,301 triệu đồng, vùng 2 là 7,369 triệu đồng, vùng 3-4 là 6,825 triệu đồng. Trong 5 năm qua, tiền lương thực tế của công nhân lao động tăng khoảng 35%. Số công nhân lao động có dư dật, tích lũy và khá hài lòng, an tâm với việc làm, cuộc sống hiện nay chủ yếu thuộc lao động quản lý, lao động có trình độ chuyên môn cao.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn cũng chỉ rõ, việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm đã có một số mặt tích cực. Tính đến năm 2019, sau 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 22,6% lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước. Giai đoạn này, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 7,8%/năm.
Tuy nhiên, vẫn còn 4,6% công nhân lao động chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm diễn ra khá phổ biến, hiện có khoảng 46,7% doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, số này chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ở một số nơi, công nhân lao động không được giải quyết các chế độ do doanh nghiệp nợ hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp, trung bình bằng khoảng 70-80% mức lương thực tế.
Về xây dựng thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đến nay, Tổng Liên đoàn đã triển khai đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam; đã có 40 địa phương bố trí đất để nghiên cứu đầu tư, xây dựng thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020, vẫn còn 65,6% công nhân lao động hiện đang phải thuê nhà trọ để ở, trong đó, 3,6% công nhân lao động đang phải ở nhà thiếu kiên cố hoặc nhà đơn sơ, với điều kiện chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, tiện nghi sinh hoạt; 22,8% công nhân lao động đang phải dùng nguồn nước giếng đất, giếng khoan. Đặc biệt, 97% công nhân lao động ở trọ đều trả tiền thông qua chủ nhà trọ với giá tiền điện cao hơn khá nhiều so với ký trực tiếp với công ty điện lực nhà nước.
Ngoài một số cuộc thi, sân chơi trên truyền hình và mạng xã hội, một số hoạt động do Công đoàn tổ chức, công nhân lao động rất ít có cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần.
Kiến nghị phát triển hệ thống phúc lợi xã hội phục vụ công nhân
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng 27 tỉnh, thành phố về ”Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động” diễn ra ngày 24/12 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng tới việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Cụ thể, bảo đảm việc làm và việc làm có thu nhập ngày càng tốt hơn cho công nhân lao động; chú trọng công tác đào tạo nghề và khả năng thích ứng của công nhân lao động với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; hoàn thiện các chế độ an sinh xã hội và phát triển hệ thống phúc lợi xã hội cho công nhân lao động.
Về chính sách phát triển khu công nghiệp: Thực hiện định hướng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” đồng bộ. Khu công nghiệp gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng xây dựng đồng bộ. Trong đó phải có hệ thống tiện ích đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân, gia đình công nhân, con công nhân nói riêng và cho lực lượng lao động của các khu công nghiệp nói chung (kể cả lao động chất lượng cao, chuyên gia…).
Tại buổi làm việc, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành Chỉ thị về ”Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”, nhằm xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giải đáp kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động”./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-bo-cac-giai-phap-huong-toi-viec-lam-ben-vung-117077.html