Đồng bộ các giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, theo giới chuyên gia, thời điểm này cần đồng bộ các giải pháp trợ lực giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững. Đó là các giải pháp về hỗ trợ tiếp cận vốn, giảm chi phí, cho vay ưu đãi… cũng như cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp không gặp trở ngại khi tiếp cận thị trường.

Cần tiếp tục hỗ trợ để tạo đà cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Cần tiếp tục hỗ trợ để tạo đà cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều mặt

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững và còn nhiều rủi ro phía trước. Trong đó, công nghiệp phục hồi chưa ổn định; tiêu dùng nội địa còn yếu; các doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, với số DN rút lui khỏi thị trường nhiều. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 110.300 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3%; tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu giai đoạn 2017-2022, vốn đăng ký bình quân trên 10 tỷ đồng/DN, thì năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/DN. Hoạt động kinh doanh của DN chưa thực sự hiệu quả, DN gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tìm phương án kinh doanh mới, thiếu vốn và thiếu kinh phí đầu tư...

Nhận định về hoạt động của DN ngành may, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành còn gặp khó do năm 2022 - 2023, đơn giá dệt may xuống rất thấp, giảm 20 - 30%, thậm chí 50%. Do đó, DN may mặc phải thương lượng lại với nhà mua để tăng giá lên trong bối cảnh các chi phí như lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7. Chi phí logistics từ cuối năm ngoái liên tục tăng, xung đột Biển Đỏ khiến nhập khẩu bông bị trễ... cũng là những khó khăn của ngành.

Còn theo chia sẻ của bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm gần 20%, nhưng trong quý I/2024 đã tăng trưởng trở lại khoảng 10%. Do đó, nhu cầu vốn cũng bắt đầu trở lại với DN thủy sản.

Trong khi đó, lãi suất mà DN vay vốn bằng VND hiện nay cũng còn ở mức cao từ 6-8%/năm và khoảng 8-9%/năm đối các DN nhỏ, còn vay vốn bằng USD có lãi suất 5%/năm. “Sự biến động của tỷ giá làm gia tăng rủi ro đối với DN, do đó hiện nhiều DN đang xem xét diễn biến của thị trường thay vì mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua khảo sát, các DN cũng mong muốn các ngân hàng giảm thêm lãi suất USD xuống dưới 4%/năm và công bố rộng rãi hơn các gói tín dụng ưu đãi lãi vay” - bà Lan thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, DN khó khăn thì các chỉ tiêu vĩ mô khác khó đạt. “Bức tranh DN tương đối ảm đạm khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng lên đáng kể so với số DN đăng ký mới, quy mô vốn DN đang giảm đi. Đây là lý do cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ DN" - ông Việt nhấn mạnh.

Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được các trợ lực để vượt qua khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được các trợ lực để vượt qua khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Cập nhật các kịch bản tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã xây dựng 2 kịch bản để trình Chính phủ, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm. Thứ nhất là với kịch bản cơ sở, tức là kịch bản bám sát mục tiêu Quốc hội đề ra, sau kết quả 6 tháng đầu năm thì với mục tiêu tăng 6 - 6,5%, nếu lấy cận trên là 6,5% thì tăng trưởng quý III, IV cũng khoảng 6,5%. Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, quý III và IV là các quý động lực của năm, nếu tăng trưởng ở mức 6,5% thì khả thi, nên hoàn toàn có sơ sở để kỳ vọng kết quả cao hơn, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tăng cao hơn 6,5%.

Với kịch bản 2, Bộ KHĐT dự kiến cả năm đạt 7%. Nếu theo phương án này, quý III và IV lần lượt tăng khoảng 7,4 - 7,6%. Bộ KHĐT báo cáo với Chính phủ lựa chọn phương án kịch bản mới, cập nhật so với Nghị quyết 01, tăng trưởng cả năm khoảng 6,5 - 7%. Trong đó, Bộ KHĐT mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn 7% để có những chỉ đạo quyết liệt hơn, hướng đến mục tiêu này. Trong bối cảnh DN chưa thoát hết khó khăn, muốn đạt được tăng trưởng theo mục tiêu, giới chuyên gia cho rằng DN và cả nền kinh tế cần được “tẩm bổ”.

Theo kết quả Tổng cục Thống kê tiến hành khảo sát trên 30 nghìn DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng còn lại của năm 2024, các DN được khảo sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hỗ trợ nhiều vấn đề cho các DN.

Cụ thể, về lãi suất, để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, mong muốn lớn nhất của các DN là giảm lãi suất cho vay. Về nguồn nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, 30,5% DN kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% DN kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Về chính sách thuế, phí, lệ phí, 31,2% DN kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách Nhà nước phù hợp. Về điều kiện và thủ tục vay vốn, 29,0% DN kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. Về thủ tục hành chính, 28,6% DN kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Về thị trường đầu ra, 27,7% DN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% DN kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ DN mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện thủ tục hành chính đang là rào cản lớn ảnh hưởng đến vận hành của DN. Để có thể tạo được nguồn lực đủ mạnh vực dậy sản xuất kinh doanh cho DN cần sự quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành để sớm đẩy nhanh thực hiện các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Với bản thân DN cũng cần chủ động trong mọi tình huống.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho rằng, để DN phục hồi và phát triển cần nhiều yếu tố, trong đó, rất cần chính sách tháo gỡ khó khăn về kinh doanh, đầu tư, như giảm thời gian thực hiện các thủ tục về cấp phép đầu tư dự án. Đáng buồn, có những dự án 5 - 7 năm chưa được cấp phép do nhiều quy định còn gây khó.

Làm mới các động lực tăng trưởng

Khơi thông các động lực tăng trưởng đang là yêu cầu cấp bách từ Chính phủ để giúp các DN và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi. Nhưng khơi thông các động lực phải đi kèm với sự cải cách quyết liệt về thể chế, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện và tăng niềm tin cho DN vững bước. Ngay từ đầu năm, ngày 5/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 01, 02 không chỉ hỗ trợ DN phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng mà còn được xem là "chìa khóa" làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai mở, tận dụng những động lực mới của năm 2024.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước khi tìm động lực mới phải khơi thông các động lực cũ. Cần khơi thông các nguồn lực đầu tư tư nhân, giải quyết vấn đề về tín dụng hay các vấn đề về lao động, môi trường...

Đồng quan điểm, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế cho hay: Chúng ta đã ký kết 16 FTA vừa với tư cách thành viên ASEAN vừa với tư cách một bên độc lập, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới... Mặc dù những cơ hội mà các FTA là rất lớn, tuy nhiên ông Trịnh Minh Anh cho rằng, cần nhận diện được những rủi ro và thách thức.

Cụ thể, rủi ro thách thức nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường...

Theo ông Trịnh Minh Anh, năm 2024 thế giới vẫn đối diện với nhiều rủi ro, biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại... Để thực thi hiệu quả FTA, DN cần có chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ.

Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo… Đặc biệt là những nỗ lực để Việt Nam ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới, tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần xuất phát từ nhu cầu, giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp.

T.Hằng – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bo-cac-giai-phap-tro-luc-cho-doanh-nghiep-10285130.html