Đồng bộ giải pháp gỡ khó tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thời gian qua, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp đồng bộ để gỡ khó tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT). Tuy nhiên, đến nay, ở các bệnh viện công vẫn chưa được giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc và VTYT.

Các bệnh viện nỗ lực khắc phục

Thiếu thuốc và VTYT thời gian qua tại nhiều bệnh viện ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh (KCB) khiến người bệnh phải chi tiền túi mua thuốc, vật tư tại các hiệu thuốc bên ngoài. Đối với người bệnh BHYT, đây là một gánh nặng oằn vai khi quyền lợi chính đáng họ không được hưởng.

Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc, VTYT, TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thừa nhận điều này và cho biết, bệnh viện đang có nhiều nỗ lực để khắc phục. Tuy nhiên, ông Hùng lý giải, thuốc để điều trị cho người bệnh không thiếu mà thiếu những loại thuốc hiếm không có thay thế và không mua sắm được vì không có nhà cung cấp tham gia đấu thầu như Albumin và Gamma Globulin. Trường hợp này là bất khả kháng.

Ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều, nhưng không có trong dược nội trú, nên buộc phải mua ngoài. Đây là thực trạng chung của các bệnh viện công T.Ư, không chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức.

Nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn vận hành thiết bị y tế kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Ảnh: Công Hùng

Nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn vận hành thiết bị y tế kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Ảnh: Công Hùng

Ngoài ra, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng khẳng định, các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan mua sắm, đấu thầu thuốc, VTYT thời gian qua đã tháo gỡ một số khó khăn, thậm chí có những quy định là bước tiến vượt bậc để gỡ vướng như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất. Đồng thời, quy định mới đưa tiêu chí chất lượng, xuất xứ nguồn gốc vào đã giúp bệnh viện lựa chọn được hàng tốt, chính hãng, giá hợp lý và tuân thủ đúng pháp luật.

TS Dương Đức Hùng cũng lý giải thêm, tại bệnh viện còn tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi để được mổ do phải điều tiết. Là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, trung bình đơn vị thực hiện 270 - 300 ca mổ phiên, 30 - 40 ca mổ cấp cứu mỗi ngày.

Theo TS Dương Đức Hùng, thuốc gây mê quan trọng nhất và không có thuốc thay thế. Khi chậm tham gia thầu, chậm toàn hệ thống các bệnh viện, không thể vay mượn được các nơi. Tháng 5/2024 mới có thông tư hướng dẫn mua sắm nên các bệnh viện mới bắt đầu làm hồ sơ để thầu. Thời điểm đó, bệnh viện phải làm ngày, làm đêm để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thầu để mua thuốc gây mê vừa phải điều tiết, giảm bớt những ca mổ không cấp bách. Hiện tại, vấn đề thuốc gây mê đã được giải quyết xong và số lượng ca mổ bắt đầu tăng trở lại.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận từ 8.000 - 10.000 lượt người tới khám bệnh. Có thời điểm, bệnh viện rơi vào cảnh thiếu trầm trọng máy móc, trang thiết bị y tế.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi có một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế của Chính phủ và Bộ Y tế, từ cuối năm 2023, bệnh viện đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm máy móc, thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã khai trương và đưa vào sử dụng hàng loạt hệ thống thiết bị y tế hiện đại bao gồm: 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, 19 hệ thống nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi...

Tại Bệnh viện K, trung bình một ngày, đơn vị tiếp nhận 2.000 bệnh nhân tới khám, 1.000 bệnh nhân xạ trị, hàng nghìn bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú. Theo GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, đơn vị có 6 máy xạ trị, gồm 5 máy ở cơ sở 3 và 1 máy ở cơ sở 2. Máy số 1 và số 2 là máy được BHYT chi trả; 3 máy còn lại là máy xã hội hóa, chỉ được hưởng BHYT một phần, còn phải trả chi phí kỹ thuật cao tùy từng bệnh mà có mức phí phù hợp.

Thời gian qua, máy xạ số 1 và số 2 bị hỏng, nhưng bệnh viện đã sửa xong và đưa vào hoạt động, nhưng không thể chạy tối đa vì các máy này đã cũ, hết hạn. Hiện 2 máy này, bệnh viện chỉ hoạt động cầm chừng, xạ cho 60 - 70 bệnh nhân/máy/ngày. Nếu trong thời gian ngắn, máy chạy trơn tru thì đơn vị mới tăng bệnh nhân.

“Công suất của 1 máy xạ trị xạ được 70 bệnh nhân/ngày, nhưng hiện đang phải gánh 150 bệnh nhân/ngày, máy hoạt động 20 - 22 giờ/ngày cả thứ Bảy, nên hỏng là không tránh khỏi” - GS.TS Lê Văn Quảng nói. Đồng thời lãnh đạo bệnh viện cũng thông tin, trước đây, đơn vị đề xuất mua thêm 11 máy xạ trị, nhưng hiện tại đang đẩy nhanh đấu thầu, từ nay đến năm 2025 sẽ mua 4 máy xạ trị mới. Nếu có thêm 4 máy xạ trị, sự quá tải sẽ giảm bớt, khi đó, nhân viên y tế không phải vất vả làm việc quá giờ.

Nhiều giải pháp mang tính lâu dài

Trước thực tế thiếu 2 loại thuốc trong điều trị là thuốc Ketamin và Biseko, TS Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp visa nhập khẩu thuốc về cho bệnh viện.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các địa phương và cơ sở y tế vẫn đề xuất Bộ Y tế thành lập trung tâm dự trữ thuốc quốc gia và sửa đổi một số quy định mua sắm thuốc tập trung phù hợp với yêu cầu thực tế. Cho dù đã có hành lang pháp lý, cơ chế cho việc đấu thầu, mua sắm, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện tại một số địa phương vẫn còn chậm trễ, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và VTYT.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, vừa qua, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, VTYT ở một số đơn vị, địa phương nhưng chỉ mang tính cục bộ. Việc mua sắm thuốc, VTYT tại các cơ sở y tế phụ thuộc 2 yếu tố, gồm các nghị định, thông tư liên quan, sau đó là tổ chức thực hiện. Thể chế đã đầy đủ nhưng khâu tổ chức tại cơ sở còn vấn đề thì không thể đủ thuốc, VTYT.

Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, VTYT, hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện Luật Dược và Luật BHYT sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 10. Nếu Luật Dược được thông qua sẽ có 5 chính sách cải cách thủ tục hành chính rất mạnh nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp cơ sở nhập thuốc và cung ứng cho cơ sở y tế.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành để tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và VTYT thời gian qua. Điểm mới thứ nhất, Bộ Y tế cho phép sử dụng một giấy báo giá phù hợp yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính. Trước đây, cơ sở y tế phải cung cấp đủ ba giấy báo giá. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ lưu hành thuốc.

Điểm mới thứ hai, cơ sở y tế được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động chi thường xuyên.

Điểm mới thứ ba, Luật Đấu thầu được thực hiện trong trường hợp cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nếu có). Cụ thể, bao gồm các gói thầu dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp do nhu cầu đột xuất, không có mặt hàng thay thế và bắt buộc phải sử dụng để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Điểm mới thứ tư, cơ sở y tế được tùy chọn mua thuốc, mua thêm tối đa 30% số lượng theo hợp đồng chưa có.

“Tuy thể chế về đấu thầu, mua sắm, thuốc cơ bản đầy đủ, nhưng vấn đề chủ yếu nằm ở tổ chức thực hiện tại cơ sở, phải làm sao công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện” - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Có lẽ, hơn ai hết, hàng chục triệu người bệnh tham gia BHYT đang mong ngóng từng ngày với niềm hy vọng tình trạng thiếu thuốc, VTYT sớm chấm dứt để không còn cảnh vất vả lo tiền thuốc mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống, từ đó, có những giải pháp mang tính lâu dài.

Theo quy định, việc mua bán thuốc chỉ được diễn ra giữa các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh, còn bệnh viện là đơn vị sự nghiệp nên không có quyền sang nhượng. Việc sang nhượng thuốc chỉ được thực hiện với thuốc phóng xạ. Nhưng thực tế cấp cứu người bệnh như lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nêu, thì cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi và ưu tiên cao nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân.

Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế Lê Xuân Hoành

Hà Linh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-bo-giai-phap-go-kho-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-y-te.html