Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng cải cách hành chính Bài 1 - Thực tiễn tại các đơn vị dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, công tác CCHC là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, việc tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra cần sự quan tâm của các cấp, ngành nhằm tiếp tục cải thiện tích cực chỉ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, công tác CCHC là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, việc tập trung giải quyết những vấn đề đặt ra cần sự quan tâm của các cấp, ngành nhằm tiếp tục cải thiện tích cực chỉ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND TP Hòa Bình không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân đến giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND TP Hòa Bình không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân đến giải quyết thủ tục hành chính.

Ngày 19/12/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2767/QĐ-UBND về việc công bố Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2024. Sở Nội vụ và UBND TP Hòa Bình tiếp tục là các đơn vị xếp thứ nhất.

Đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Năm 2024, Sở Nội vụ tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác CCHC đảm bảo kịp thời. Tham mưu Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh triển khai việc đánh giá kết quả Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas), Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (Papi) năm 2023 của tỉnh; đề ra các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số Par index, Sipas, Papi năm 2024; thẩm định hồ sơ tự chấm điểm và tổng hợp kết quả điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2024; thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của các cơ quan, đơn vị; trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch CCHC năm 2025...

Bên cạnh đó, quán triệt thực hiện kế hoạch CCHC của tỉnh năm 2024, ngay từ đầu năm, Sở Nội vụ ban hành kế hoạch về CCHC. Trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ CCHC của sở; phân công nhiệm vụ, đơn vị chủ trì thực hiện với từng nhiệm vụ, lĩnh vực cụ thể, chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và kiểm soát TTHC. Nâng cao chất lượng phục vụ và tạo điều kiện tốt nhất cho cá nhân, tổ chức khi đến giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC tại Sở Nội vụ trong năm 2024.

Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND TP Hòa Bình luôn có đông người dân đến làm TTHC. Chị Vương Thị Huyền, phường Tân Thịnh cho biết: Tôi đến làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cán bộ Bộ phận một cửa hướng dẫn tận tình, nhanh gọn, hẹn ngày trả kết quả rõ ràng để người dân không phải chờ đợi, đi lại nhiều.

Đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Công tác CCHC trên địa bàn được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố. Nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp được UBND thành phố, Ban Chỉ đạo CCHC thành phố chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương mình, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu CCHC đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của thành phố.

Kết quả nổi bật trong năm 2024, TP Hòa Bình hoàn thành 55 nhiệm vụ trong kế hoạch CCHC, đạt 100%. Công tác tuyên truyền về CCHC được thực hiện đa dạng, bằng nhiều hình thức. Tổ chức kiểm tra CCHC năm 2024 đối với 100% phường, xã. Thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Triển khai kịp thời việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn; ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024; hoàn thành đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; thẩm định đề án vị trí việc làm đối với 19/19 phường, xã. Tiếp tục duy trì mô hình "Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố và 19/19 phường, xã. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện các mô hình "Ngày không viết”, "Ngày không chờ”, "Ngày không hẹn”… để cải cách TTHC, nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả.

UBND các phường, xã đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiêu biểu như UBND phường Tân Thịnh với mô hình "Khảo sát mức độ hài lòng của các tổ chức và người dân đối với dịch vụ hành chính công tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả "một cửa” qua mã QRCode”, "Ngày thứ Ba nhanh”. UBND phường Phương Lâm với mô hình "Camera đô thị thông minh từ nguồn xã hội hóa”, triển khai giải quyết và trả kết quả TTHC tại nhà cho người dân thuộc đối tượng chính sách, người cao tuổi. UBND phường Quỳnh Lâm với mô hình "Ngày thứ Sáu không hẹn - không viết”, "Tra cứu và giải quyết TTHC bằng mã QRCode tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa". UBND xã Thịnh Minh triển khai mô hình "Ngày thứ Năm không viết - không hẹn”, "Tình nguyện giờ làm việc thứ 9” để giải quyết TTHC trong ngày cho người dân, doanh nghiệp…

Cùng với đó, thành phố tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, người lao động; đối thoại với thanh niên; đối thoại về giải quyết TTHC lĩnh vực tư pháp - hộ tịch. Phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh CCHC và nâng cao chất lượng công vụ” năm 2024, có 29 điển hình tiên tiến thành phố, 7 điển hình tiên tiến cấp tỉnh được công nhận. 100% UBND cấp xã, Phòng Tư pháp thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao, thực hiện trong năm 2024 đạt 71,89%, cao hơn 26,89% chỉ tiêu giao. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến toàn trình đạt 89,03%, cao hơn 34,03% chỉ tiêu giao…

Từ hiệu quả công tác CCHC đã góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, thực hiện thành công chủ đề năm 2024 "Đoàn kết, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, quyết tâm xây dựng TP Hòa Bình sớm trở thành đô thị loại II trước năm 2025”. Năm 2024, thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, được Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định công nhận TP Hòa Bình là đô thị loại II. Ngày 7/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg về việc công nhận TP Hòa Bình là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình.

(Còn nữa)

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/197522/dong-bo-giai-phap-nang-cao-chat-luong-cai-cach-hanh-chinhbai-1-thuc-tien-tai-cac-don-vi-dan-dau-chi-so-cai-cach-hanh-chinh.htm