Đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo phi công quân sự

Ngày 20-8-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường Huấn luyện hàng không, tiền thân của Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân).

Ngày này cũng trở thành ngày truyền thống của nhà trường. Những năm qua, nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên đổi mới, nâng chất lượng đào tạo phi công quân sự. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân xung quanh vấn đề này.

 Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân. Ảnh: MAI VĂN

Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân. Ảnh: MAI VĂN

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giáo dục-đào tạo của nhà trường, trong đó có nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự?

Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã tổ chức huấn luyện hàng chục loại máy bay khác nhau; đào tạo, bổ túc, chuyển loại, nâng cao hơn 100 khóa sĩ quan lái máy bay với hơn 1.000 phi công; cùng hàng vạn sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị, kỹ thuật, sĩ quan dù-tìm kiếm cứu nạn đường không và nhân viên chuyên môn kỹ thuật hàng không. Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo phi công và nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho không quân nước bạn Lào, Campuchia. Đồng thời, liên kết đào tạo phi công cho Binh đoàn 18 và huấn luyện quân sự cho học viên dự khóa bay hàng không dân dụng Việt Nam.

 Huấn luyện bay biên đội Yak-130 tại Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân.

Huấn luyện bay biên đội Yak-130 tại Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân.

Thời gian gần đây, Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân được tái thành lập và tổ chức huấn luyện, đào tạo phi công quân sự trên máy bay thế hệ mới Yak-130. Chỉ trong thời gian ngắn huấn luyện chuyển loại, phi công của nhà trường đã cơ bản làm chủ máy bay, tham gia các cuộc diễn tập với các đơn vị trong và ngoài Quân chủng Phòng không-Không quân đều đạt kết quả xuất sắc. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao, khẳng định trình độ, khả năng huấn luyện bay và sẵn sàng chiến đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, phi công, thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

PV: Với đặc thù vừa đào tạo các chuyên ngành, vừa huấn luyện, đào tạo phi công ở các trung đoàn, nhà trường có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Nhà trường có 4 trung đoàn bay. Các trung đoàn đều có giảng viên và học viên. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp cũng chính là những người thầy hằng ngày của học viên. Quy trình tổ chức bay đào tạo phi công quân sự cũng là quy trình tổ chức bay huấn luyện chiến đấu. Do vậy, thuận lợi của nhà trường là tính thực tiễn rất cao, kết quả giảng dạy và học tập được kiểm chứng ngay tại trung đoàn. Các đối tượng đào tạo sau khi tốt nghiệp đều đáp ứng chuẩn đầu ra, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao khi về đơn vị công tác.

Thuận lợi là cơ bản, song khó khăn cũng rất nhiều, như địa bàn rộng, trải dài trên nhiều tỉnh, thành phố, nên công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoạt động của bộ đội phải rất chặt chẽ. Hoạt động huấn luyện bay đào tạo phi công diễn ra trên mọi địa hình, trong mọi điều kiện thời tiết, đòi hỏi mỗi cán bộ, phi công phải có khả năng dự báo để luôn chủ động trong mọi tình huống. Ngoài ra, hoạt động bay vốn không phải là thuộc tính của con người, nên ngay từ ban đầu của quá trình đào tạo đã phải huấn luyện, khổ luyện công phu. Học viên không chỉ cần phẩm chất chính trị, trình độ kiến thức, thể lực tốt mà còn phải có niềm đam mê, khát vọng “làm chủ bầu trời”. Tranh thủ thuận lợi, khắc phục khó khăn, thầy và trò Trường Sĩ quan Không quân luôn quyết tâm dạy tốt, học tốt trong mọi hoàn cảnh.

PV: Để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhà trường xác định những giải pháp gì trong thời gian tới?

Đại tá Ngô Vĩnh Phúc: Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nhất là đối với đào tạo phi công quân sự, trước sự phát triển của phương tiện, trang bị kỹ thuật mới... Quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong giáo dục-đào tạo. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thu hút, tuyển sinh đầu vào, đổi mới chương trình, nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học. Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tích cực đổi mới, cập nhật sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại vào chương trình giảng dạy.

Hiện nay, cùng với sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không-Không quân về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhà trường cũng đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước để nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Với những thành tích xuất sắc trong huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, Trường Sĩ quan Không quân và 1 tập thể, 26 cán bộ, giảng viên, học viên được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân, cùng nhiều khen thưởng cấp Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng và địa phương.

MAI ĐÔNG - DUY HIỂN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dong-bo-giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-phi-cong-quan-su-790105