Đồng bộ, hiệu quả trong công tác chống hàng giả
Mới ra mắt ngày 28-6-2019, nhưng Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (được thành lập bởi Viện Công nghệ chống làm giả, thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) đã thu hút sự chú ý của dư luận, vì một số thông tin liên quan cần được giải thích rõ ràng.
Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 2017, Viện Công nghệ chống làm giả (Viện) tổ chức chương trình “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”. Tại đó, một doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả từ bột than tre đã được vinh danh. Liên quan đến Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam (Ban) vừa được Viện cấp giấy “khai sinh”, như thông tin giới thiệu trên một số trang báo điện tử thì Ban thành lập theo chỉ định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ “phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các cơ quan báo chí, mặt trận, đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng và phát động Chương trình toàn xã hội tích cực chống hàng giả, hàng nhái, đẩy mạnh mọi mặt công tác tuyên truyền các kênh thông tin nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp”. Tuy nhiên, ngày 7-7-2019, đại diện các bộ, ngành nói trên đã chính thức bác bỏ thông tin này.
Và thêm nữa, danh sách một số thành viên lãnh đạo Ban mới được bầu cũng là vấn đề được bàn luận, vì các danh hiệu “khác lạ” mà họ sở hữu như “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nam vương Thái Bình Dương”... Được biết, danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” đã được trao tặng năm 2018 cho bà P.N.H.N (Phó ban) tại một cuộc thi do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cùng một công ty cổ phần xuất nhập khẩu ô-tô tổ chức. Đáng nói là trong cuộc thi này, đã có 15 “Nữ hoàng” được vinh danh, tuy nhiên Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Cục đã rà soát và không thấy cuộc thi nào như thế và không có danh hiệu nào là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh”. Còn danh hiệu “Nam vương Thái Bình Dương” năm 2018 là được trao cho ông T.H.T (Phó ban) trong cuộc thi Doanh nhân người Việt thế giới được tổ chức ở nước ngoài, và các thông tin về cuộc thi này đăng tải trên báo chí khá mơ hồ. Sau nhiều ồn ào, mới đây bốn trong số năm thành viên Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam đã có đơn xin từ chức với cùng lý do “không đủ năng lực nhận trách nhiệm được giao”.
Liên quan lĩnh vực chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, có thể thấy cùng lúc đang tồn tại khá nhiều “địa chỉ” trên mạng như: Trung tâm chống hàng giả (được giới thiệu thuộc Tạp chí Hàng hóa và Thương hiệu, Hà Nội); Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (cơ quan chủ quản: Công ty cổ phần Phát triển Khoa học Công nghệ Vina); Trung tâm công nghệ chống hàng giả (không rõ cơ quan chủ quản song được giới thiệu là tư vấn chống hàng giả và cung cấp dịch vụ pháp lý, có sự phối hợp các đơn vị như: Viện Nghiên cứu tiêu chuẩn chất lượng, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường Bộ Thương mại, Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam)...
Việc chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu đã và đang là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội cũng như các ngành và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để công tác này thật sự đạt được hiệu quả, cần phải có sự tổ chức, phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các ngành và cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Ngoài các cơ quan chức năng, chính quyền, các tổ chức, đơn vị tham gia vào công tác chống hàng giả cần được công bố công khai, cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng để có thể xác minh tính hiệu quả, và uy tín đích thực tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, trà trộn thật giả gây nhiễu loạn xã hội. Đồng thời, cần sớm loại bỏ các tổ chức hoạt động không hiệu quả, hoặc tồn tại không hợp pháp, nhằm củng cố sức mạnh cũng như lòng tin của cả cộng đồng trong công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.